Đô thị trước những thách thức về rủi ro thiên tai
Phần lớn đô thị nằm trong vùng dễ tổn thương
Trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng; Tác động xấu đến môi trường sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Theo số liệu thống kê cho thấy, thiên tai có xu thế ngày càng gia tăng bất thường. Số lần xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn, nghiêm trọng hơn, nhất là bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn...
Mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội; Đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.
Cứ mỗi khi mưa to, nhiều khu vực tại TP Hà Nội lại rơi vào cảnh ngập lụt |
Đặc biệt, đô thị được xem là nơi chịu thiệt hại nhiều nhất trước thiên tai bởi tính tập trung dân cư, tài sản và nằm ở những vị trí dễ bị tổn thương. Trong hơn 20 năm qua, số lượng đô thị tăng nhanh (từ 629 năm 1999 lên 862 đô thị năm 2020), tỷ lệ đô thị hóa từ 20,7% năm 1999 lên 40% năm 2020. Tính đến năm 2021, cả nước có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III và 89 đô thị loại IV. Nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả cho vùng tập trung cao dân cư, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng ở các đô thị thì mức độ tổn thương sẽ tăng lên nhiều.
Đáng nói, hiện nay cả 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và toàn bộ hệ thống đô thị ven biển đều chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Tại TP HCM, hiện tượng ngập đã ảnh hưởng đến 47% dân số thuộc diện nghèo. Gần một nửa số phường xã bị ngập thường xuyên với diện tích 110.000ha và 12% dân số thành phố. Hạn hán cũng diễn ra trong 3 - 4 tháng mỗi năm, đặc biệt nghiêm trọng vào những năm 1993, 1998, 2002 và 2020.
Tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay ở Việt Nam đã trở thành vấn đề bức xúc và dường như ngày càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các thành phố ven biển. Nguyên nhân được xác định là chưa thực hiện việc lồng ghép, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch đô thị vì trên thực tế các giải pháp riêng lẻ đã không mang lại hiệu quả.
Tình trạng ngập lụt đô thị đã trở thành vấn đề bức xúc và ngày càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của thiên tai |
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, ở Việt Nam sẽ có khoảng 115 đô thị từ loại 5 đến loại đặc biệt chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (rong đó có 21 đô thị ven biển, 6 đô thị ven vịnh lớn, 12 đô thị giáp sông lớn và 76 đô thị ven sông, kênh rạch nhỏ, vùng trũng). Các đô thị ven biển và khu dân cư vùng bờ biển là vùng dễ bị tổn thương nhất. Nhiều người lao động di cư nghèo sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn vì thế bị tổn thương cao do thiên tai.
Giảm nhẹ tác động, rủi ro thiên tai đến phát triển đô thị
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020". Ðây là cơ sở quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, do hệ thống đô thị nước ta đã có bước phát triển nhanh về số lượng với 862 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%, nên cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Ðó là sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, hệ thống đô thị của các tỉnh phát triển vượt dự báo phát triển đô thị quốc gia, vùng. Trong khi đó, trình độ và chất lượng quản lý đô thị lại chưa theo kịp thực tiễn phát triển; Trình độ và năng lực dự báo của quy hoạch cũng chưa đáp ứng được xu thế phát triển đô thị; Phát triển đô thị mất cân đối, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ và quá tải...
Ngập do triều cường ở TP Hồ Chí Minh |
Trong bối cảnh ấy, sự tác động của biến đổi khí hậu đã khiến cho những bất cập của đô thị càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Hà Nội - một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới, đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo đó, gần 4.000ha diện tích nội thành có nguy cơ tổn thương cao và 648ha có nguy cơ tổn thương rất cao. Theo số liệu thống kê, trước năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn tại thành phố Hà Nội xảy ra từ 15 đến 25 năm/lần. Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 - 7 năm/lần.
Cùng với đó, dân số của Hà Nội cũng tăng cao, hiện thành phố có khoảng hơn 10 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Không những thế, với 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, hơn 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ô tô, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ ước tính trên 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu… Ðây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp và hành động đã được quy định trong đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020", như: Lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị.
Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ góp phần tạo điều kiện giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai |
Trong đó quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu phải góp phần tạo điều kiện giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình, tạo điều kiện cứu trợ khi có tai họa và phục hồi sau tai họa.
Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ ngập úng/bản đồ thích ứng với biến đổi khí hậu, bộ chỉ số đánh giá mức độ chống chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tăng cường hiệu lực, cơ chế, chính sách về quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, giám sát và cảnh báo sớm. Tập trung hoàn thành việc xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo và chống lấn chiếm thu hẹp hồ ao, sông, kênh trong đô thị. Thường xuyên nạo vét khơi thông dòng chảy; Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, đê xung yếu, bờ ngăn chống lũ. Khảo sát và xây dựng các hồ, hầm lưu trữ nước mưa tại các đô thị.
Mặt khác, chính quyền các cấp cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong tư duy, hành động về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.
Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó lường và mang tính cực đoan nhiều khi ngoài dự báo của các cơ quan chuyên môn. Thích ứng, giảm thiểu hay tăng cường năng lực đô thị ứng phó là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, các cấp và mỗi người dân.