Trận động đất ở Kon Plong (Kon Tum): Mạnh nhất trong hơn một thế kỷ
Trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ
Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), vào sáng 23/8, một trận động đất có độ lớn 4.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Cũng tại đây, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra vào buổi chiều ngày 23/8. Cụ thể lúc 14 giờ 11 phút, một trận động đất có độ lớn 3.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Vào lúc 15 giờ 02 phút, một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km.
Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn chuỗi hàng trăm trận động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.
Trận động đất chiều 23/8 mạnh nhất từ trước tới nay tại khu vực miền Trung |
Không chỉ ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn, trận động đất này còn khiến nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cảm nhận rõ rung lắc khi đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng.
Theo báo cáo thống kê, trong hơn một năm qua, huyện Kon Plông ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó. Các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu bước đầu nhận định, động đất ở Kon PLông là động đất kích thích, xảy ra do hồ thủy điện tích nước.
UBND tỉnh Kon Tum cũng vừa xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.
Kế hoạch này còn hướng đến hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện; Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
Theo kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất; Truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông; Tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất; Đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả; Triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; Các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả…
Chủ động các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại
Trước thông tin về trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan về việc chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra.
Thời gian qua, người dân huyện Kon Plông thường xuyên hứng chịu động đất |
Cụ thể, công văn nêu rõ: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo Sở, ngành liên quan, kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của Nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy điện, thủy lợi;
Kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.
Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đồng thời tránh tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình tình diễn biến, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.