Doanh nghiệp Việt trước xu thế tất yếu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững
Nhận định được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp" diễn ra ngày 8/11.
Hội thảo khoa học "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp"
Theo Tiến sỹ Lê Quốc Lý, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên thế giới, nhiều nước công nghiệp phát triển đã thực sự đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế xanh, như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản…. Đáng chú ý là Hàn Quốc đã thành lập Viện nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI - Global Green Growth Institue) năm 2012. GGGI hoạt động với hai mục tiêu, đó là phổ biến mô hình tăng trưởng xanh như một cách thức tăng trưởng mới và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh phù hợp với thực tiễn nước mình; hơn nữa, cơ quan này chú trọng đến cả hai khuynh hướng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế còn đang phát triển, trình độ khoa học, công nghệ thấp, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao… phát triển kinh tế xanh còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các hoạt động, như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh..., cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Bùi Tất Thắng, một vấn đề đáng lưu ý trong thời gian gần đây, vừa là thách thức lớn, vừa là cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương, năng lượng tái tạo…
Cuộc cách mạng này có những bước tiến mang tính bước ngoặt, tác động rất mạnh đến quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mọi quốc gia. Trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam nhất thiết phải nắm lấy cơ hội này, nếu không muốn bị tuột ra bên lề của dòng chảy phát triển chung của thế giới.
Có thể thấy, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một chiến lược phát triển bảo đảm kinh tế tăng trưởng cao, cùng với việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực sẳn có làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn với việc đưa công nghệ xanh vào thúc đẩy phát triển. Đây cũng chính là mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.