Đón làn sóng đầu tư, Hà Nội cần tăng cường giám sát tiến trình cắt giảm rào cản kinh doanh
Đại biểu Phạm Đình Đoàn phát biểu thảo luận tại kỳ họp
Bài liên quan
Chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp
Hà Nội có nhiều "nguyên liệu đặc biệt" thu hút đầu tư
Hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng Nghị quyết HĐND thành phố thiết thực, khả thi
Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội sẽ tiến hành chất vấn bằng văn bản
Cải thiện môi trường đầu tư ở cấp cơ sở
Thảo luận về việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, theo đại biểu Trần Thị Vân Hoa - GS. TS - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mục tiêu tăng trưởng, cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Đại biểu cho rằng, với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý III, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9 % (cả nước tăng trưởng 5,2%). 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4.
"Đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh nên sẽ có độ trễ, cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ ngành và doanh nghiệp", đại biểu Hoa nêu ý kiến.
Về giải pháp tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Đó là phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác, phát huy các động lực phát triển kinh tế mới bằng cách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
ĐB Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) cho rằng, cú sốc Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ cũng như TP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp tiếp cận thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này còn thấp. Vì vậy, ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện TP.
Nhấn mạnh chiến lược “Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước là đón cả đại bàng lẫn chim sâu”, đại biểu cho rằng, TP nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh; xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, cụ thể hóa các cơ chế đặc thù bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới…
TP nên xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiền thuê đất, xây dựng ký túc xá, đào tạo nguồn nhân lực…; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, xây dựng thành công chiến lược phát kinh tế số và trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra chính quyền thân thiện.
Cho rằng trong đại dịch Covid-19, nông dân Thủ đô đã thể hiện được “bản lĩnh” của mình, vì vậy, 6 tháng cuối năm, đại biểu Dương Thị Hằng đề xuất TP quan tâm thực hiện rà soát nông thôn mới, quan tâm các giải pháp phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ kinh tế tập thể.
“Việc xây dựng kinh tế tập thể là tiền đề tốt nhất cho việc phát triển nguồn đất, hạn chế đất hoang hóa” – đại biểu nêu ý kiến.
ĐB Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm) phát biểu thảo luận |
Đóng góp về công tác quy hoạch, đại biểu Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, cần triển khai Quy hoạch TP mới, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch.
Theo đó, TP cần phải tiếp tục triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phủ kín quy hoạch cấp dưới theo thứ tự, tầng bậc; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...
Thay đổi tư duy về thị trường nội địa
ĐB Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) cho rằng, 6 tháng đầu năm, bên cạnh câu chuyện bảo vệ sức khỏe của người dân, Hà Nội đã đạt được những “thành quả vô giá” như nâng cao vị thế quốc gia, niềm tin của người dân với lãnh đạo thành phố. Những thành quả này phải cần được biến thành đòn bẩy để phát triển kinh tế.
Hà Nội là trái tim của cả nước nên tới đây, TP cần tập trung vào công tác giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại… thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề văn hóa xã hội. Theo đại biểu, hiện thành phố đã cung cấp dịch vụ cho hơn 5.000 học sinh nước ngoài, trong tương lai với, nhiều người sẽ chọn sinh sống ở Việt Nam, là cơ hội rất lớn cho Hà Nội.
Đại biểu cũng cho rằng, về thu hút du lịch nội địa, cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, đầu tư biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển; thay đổi cách nghĩ về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp cho người dân trong nước mà cần cung cấp dịch vụ cho những người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút trí tuệ thế giới về Việt Nam.
Để làm được điều này, cần tăng cường nội lực, khắc phục sự chênh lệch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở ban ngành, tránh hiện trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm trễ đến ngỡ ngàng"; cần khảo sát chất lượng dịch vụ tại từng quận huyện, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Cùng đó, đại biểu đề nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn TP, trong đó có một cách là thay đổi chính sách tính thuế thu nhập cá nhân, nhằm để người dân khôi phục năng lượng và nâng cao chất lượng làm việc.
ĐB Dương Thùy Dương phát biểu tại hội trường |
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Minh Chung (tổ Thanh Oai) cho rằng, thời gian tới, du lịch nội địa cần được coi trọng để có những thay đổi mạnh mẽ.
Đại biểu gợi ý, trong mùa thu tới có dịp 2/9, 10/10, Đại hội Đảng bộ TP, nên có thể thực hiện tour Hà Nội mùa thu; khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của TP… để kêu gọi đầu tư.
Về chương trình kích cầu, cần có chương trình trọn gói 3 đêm, 5 đêm… gồm cả tour ăn, uống, ngủ, nghỉ…, nhất là mùa hè này cần khai thác những thế mạnh về văn hóa, của ngon vật lạ của Hà Nội. Cùng đó, việc quảng bá không chỉ trong TP mà liên kết quảng bá trên toàn quốc, có sự chỉ đạo để phối hợp có quảng bá trên báo, đài của các tỉnh, TP khác; mời các giám đốc Sở Du lịch các tỉnh về Hà Nội, để có chương trình các tỉnh quảng bá cho Hà Nội và Hà Nội quảng bá cho các tỉnh.
Trước mắt trong lúc này, TP đã có Nghị quyết 06 về phát triển du lịch, nhưng đến nay chưa có những ưu đãi cụ thể từ các bộ ban ngành, nên TP cần tập hợp kiến nghị từ các nhà đầu tư về các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí… để có chính sách, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội, như về vay vốn ưu đãi dành cho nhà đầu tư, các chi phí giảm trừ tác động trực tiếp đến kinh doanh khách sạn…
Nhiều ý kiến đại biểu HĐND TP cũng đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực cho các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng; tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông tại... bởi đây là dư địa động lực cho TP phát triển KT-XH trong thời gian tới...