Đồng bộ hệ thống chính sách tạo đà phát triển công nghệ và năng lượng
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PVPower)…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho hay: Năng lượng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đồng bộ ở các phân ngành, lĩnh vực. Đáp ứng được nhu cầu năng lượng cơ bản cũng như chiến lược phát triển của đất nước. Tốc độ phát triển công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, khai thác than, thủy điện, điện mặt trời và điện gió đều tăng mạnh và cho thấy tiềm năng lớn tạo ra sức hút đối với vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo |
Cũng tại diễn đàn ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Nghị quyết số 55-NQ/TW được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) cũng là lúc đất nước ta xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới.
Nghị quyết 55 đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý. Nghị quyết số 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng.
Quang cảnh buổi diễn đàn |
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Tổng kết chương trình các chuyên gia nhận định trong thời gian tới nhiệm vụ phải được ưu tiên của ngành Năng lượng là đảm bảo nhu cầu năng lượng cơ bản của quốc gia gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.