Đồng hành, sát cánh cùng người lao động vượt khó
Nhọc nhằn mưu sinh thời Covid-19
Anh Vi Văn Thành, dân tộc Thái, quê ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đi làm công nhân hồ vữa theo thời vụ cho một công ty xây dựng ở Hà Nội. Thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, anh Thành cùng nhóm công nhân được chủ thầu trả lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Sau khi đại dịch bùng phát, công việc xây dựng bị đình trệ, có thời gian anh Thành cùng nhóm công nhân nghỉ làm cả tháng. Từ thu nhập đều đặn, anh Thành chỉ được tạm ứng mỗi tháng 1 triệu đồng.
Trước Tết Tân Sửu vừa qua, anh Thành cùng nhóm công nhân làm thuê bị chủ “xù” lương, không có tiền về quê. Anh phải lên mạng xã hội kêu cứu đồng hương, bạn bè hỗ trợ chút ít tiền về quê ăn Tết. Đến nay, anh Thành vẫn đang nghỉ thất nghiệp ở nhà.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường (thứ 2 từ phải sang) thăm, tặng quà gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vào chiều 22/4 |
Cùng cảnh ngộ, anh Dương Văn Tấn, công nhân Công ty TNHH BLD Vina, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, anh phải tạm nghỉ làm do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không có thu nhập, về quê cũng không biết sẽ phải làm gì. Nhiều tháng nay, anh tiếp tục đi tìm việc nhưng chưa được. Hết thời gian đi tìm việc, anh tranh thủ chạy xe ôm nhưng thu nhập giảm sút nhiều so với công việc làm công nhân trước kia nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Nếu không có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, cuộc sống của tôi sẽ rất chật vật. Tôi mong các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội sớm đến với những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, anh Tấn bày tỏ.
Không riêng những trường hợp nêu trên, hiện trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước có hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp do ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước nhưng trong quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Đưa ra giải pháp hỗ trợ người lao động vượt khó
Cho đến thời điểm hiện tại, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động và giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động trong việc khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19.
Mới đây nhất, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2021, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã trực tiếp đến thăm, trao quà cho 4 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Tại mỗi gia đình, Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã ân cần hỏi thăm hoàn cảnh và chia sẻ với những khó khăn mà người lao động đang phải trải qua. Chủ tịch LĐLĐ thành phố cũng trao những suất quà hỗ trợ của tổ chức công đoàn (mỗi suất quà gồm 3.000.000 đồng tiền mặt và một túi quà trị giá 300.000 đồng) nhằm chia sẻ, động viên người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.
Đón nhận phần quà ý nghĩa của tổ chức công đoàn trong thời điểm gia đình đang gặp khó khăn, cả 4 gia đình công nhân đều chia sẻ rất vui, hạnh phúc và biết ơn sự quan tâm, chăm lo kịp thời của tổ chức công đoàn. Với họ, món quà của tổ chức công đoàn không chỉ có ý nghĩa thiết thực về mặt vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần, tiếp thêm động lực để họ cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp công sức vào sự phát triển của công ty và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động.
Chi trả kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hà Đông |
Đáng chú ý, các cấp công đoàn thành phố cũng tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp công nhân, viên chức, lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trích từ nguồn ngân sách Công đoàn thành phố và “Quỹ xã hội công đoàn” hỗ trợ 3.226 trường hợp đoàn viên công đoàn thuộc các cơ sở công đoàn khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, mất việc làm…
Bên cạnh đó, với tinh thần vừa tập trung chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển kinh tế và an sinh xã hội nên ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP 9/4/2020, thành phố Hà Nội đã định hướng cho các ngành, địa phương chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng. Mặc dù, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, đối tượng nhiều và đa dạng nên việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm đúng người, trúng đối tượng không dễ thực hiện, nhất là với nhóm lao động tự do nhưng các cấp chính quyền địa phương đã luôn cố gắng triển khai nhanh nhất gói hỗ trợ này.
Nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, chính quyền các cấp cùng các cấp công đoàn, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường lao động, nhanh chóng giúp người lao động có được việc làm, tránh thu nhập bấp bênh như hiện nay. Các cấp công đoàn thành phố cũng thường xuyên nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Ở cấp Trung ương, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương và thị trường lao động quốc tế để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, Cục đang tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động, giúp người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.