Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm: Dân mong lắm ngày rời đi
Mong chờ thay đổi chốn an cư
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm đến rạch Cầu Bông (ngay chân Cầu Bông, thuộc một đoạn rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), ngay từ xa, với lớp khẩu trang trên mặt vẫn không làm giảm được mùi hôi từ con rạch xộc thẳng vào mũi.
Hai bên bờ kênh là những dãy nhà lụp xụp, trồi sụt, xiêu vẹo được dựng trên những cái cọc chênh vênh ngay trên lòng kênh. Dưới lòng kênh, dòng nước đen ngòm, đặc sệt quyện cùng từng mảng rác thải sinh hoạt khiến khung cảnh nhếch nhác, tạo cảm giác rùng mình cho những người vô tình qua lại.
Luồn dưới chân những dãy nhà là nơi sinh hoạt của những đàn chuột cống, lâu lâu xác động vật cũng được vứt xuống lòng kênh khiến không gian lúc nào cũng đậm đặc mùi hôi thối.
Dòng nước đen ngòm, đặc quánh của con rạch Xuyên Tâm |
Thực tế là vậy nhưng trong ký ức bà Bà Nguyễn Thị Minh (70 tuổi) sống ven kênh cho biết, dòng nước của con rạch ngày xưa trong và xanh, là nơi những đứa trẻ trong xóm thường kéo nhau xuống tắm, bơi lội. Người lớn cũng thường xuống rạch giăng lưới bắt cá về ăn.
Thời gian qua nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh, rạch Cầu Bông đẹp đẽ, xanh mát bỗng chốc thay áo. Người kéo về sinh sống càng đông, rác thải xuống dòng kênh ngày càng nhiều. Bà Minh không nhớ chính xác là bao lâu, chỉ biết đến một ngày cảm thấy ngột ngạt với mùi hôi, rồi thì quen dần và đó cũng là lúc con rạch xanh đẹp biến thành con rạch “chết”.
Trên nhà sập xệ, dưới chân là bãi rác... mức độ ô nhiễm khiến khách vãng lai rùng mình |
Ngôi nhà nơi gia đình bà Minh sinh sống được xây dựng đã lâu, nay xuống cấp, phải chăp vá bằng những mảnh tôn nhưng cũng đã rỉ sét. Chỉ tay về phía sau nhà, bà Minh cho biết, cách đây mấy tháng bà phải gia cố lại vì bị sụt lún.
Hầu hết những ngôi nhà ven rạch Cầu Bông đều đã cũ, xuống cấp. Người có điều kiện thì xây cất lại nhưng chấp nhận tháo dỡ không đền bù nếu giải tỏa. Người không có điều kiện chỉ biết chắp vá tạm bợ chờ ngày giải tỏa di dời.
“Chúng tôi ở đây nghe giải tỏa đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy đền bù. Chỉ mong dự án sớm triển khai, đền bù thỏa đáng để chúng tôi có tiền đi nơi khác ổn định cuộc sống”, bà Minh bày tỏ.
Cách nhà bà Minh hai căn là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Nhật Tính. Năm nay ông 62 tuổi nhưng có đến hơn 50 năm sinh sống cạnh rạch Cầu Bông. Ký ức về con rạch xanh, sạch ngày xưa giờ như chuyện cổ tích. Với ông, không gian cảnh quan của con rạch là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. “Chuột bọ, rắn rết bò vào nhà là chuyện thường tình. Cách đây mấy hôm nhà cạnh bên cũng có rắn bò vào, mấy đứa nhỏ khóc vang cả xóm”, ông Tính kể.
Ở xóm này, người dân cho biết, nghe tin sẽ triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã lâu nhưng mọi người vẫn chưa thấy triển khai. Trong khi những ngôi nhà trong xóm của ông Tính ngày càng xuống cấp, có những căn đã đổ sụp nên người dân phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
“Tôi chỉ mong dự án triển khai sớm còn không thì cho dân biết để còn xây cất lại nhà cửa. Nhà cửa cũ, dột nát nhưng không làm được gì, sống riết vầy tội nghiệp mấy đứa nhỏ, đối diện toàn dịch bệnh nguy hiểm”, ông Tính bộc bạch.
Không chỉ riêng bà Minh hay ông Tính mong mỏi dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, hầu hết người dân xung quanh tuyến rạch này đều có chung một nỗi niềm.
Nhà dân sống ven rạch Xuyên Tâm |
Anh Mai Văn Thanh, 45 tuổi, ngụ khu vực đường Bùi Đình Túy, cạnh rạch Xuyên Tâm cũng mong dự án sẽ được triển khai để gia đình anh được “lên bờ”. “Thay đổi chỗ ở mừng lắm nhưng tôi đang lo sau khi giải tỏa gia đình sẽ được an cư như thế nào. Nghe chính quyền thí điểm cho người dân sống ven kênh được thuê, mua nhà ở xã hội tôi thấy rất mừng. Hy vọng sau khi giải tỏa, thoát khỏi môi trường ô nhiễm khủng khiếp này chúng tôi được bố trí một nơi để thật sự an cư”, anh Thanh hy vọng.
Trong căn nhà bằng tole chưa đầy 20m2 sát con rạch, gia đình chị Phạm Thị Thiêm (47 tuổi) cố gắng sắp xếp gọn gàng đồ đạc để tạo dựng chỗ ở. Căn nhà trải qua thời gian dài nay đã rỉ sét, trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột. Cũng do điều kiện khó khăn nên chị Thiêm không thể sửa chữa hay di dời đi nơi khác.
“Ngày tôi đi lượm ve chai, đêm đến bán bánh chuối chiên ở chợ Bà Chiểu kiếm thêm thu nhập. Dù cuộc sống ở đây ô nhiễm nhưng vẫn có chỗ chui ra chui vào. Nghe giải tỏa thật sự lo lắm, Nhà nước cho mua nhà ở xã hội thì tôi cũng chẳng có tiền, chờ được cấp nhà thì chắc điều kiện tôi không có rồi, thôi thì cứ tới đâu tính tới đó. Buôn bán ở chợ cũng quen rồi nên có thế nào cũng phải bám vào lề đường kiếm cơm thôi, chứ giờ đi xa cuộc sống của chúng tôi sẽ xáo trộn rất lớn”, chị Thiêm trăn trở.
Thực trạng ô nhiễm tại rạch Xuyên tâm |
Cải tạo rạch Xuyên Tâm, đồng nghĩa cải tạo môi trường sống, thay đổi mỹ quan đô thị là điều cần thiết. Vậy nhưng để kiến tạo được một không gian đô thị xanh - sạch - đẹp, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.
Cái khó không chỉ ở câu chuyện giải tỏa, bồi thường mà cái khó còn ở chỗ an cư cho người dân lao động lâu nay sống vất vưởng quanh con rạch “chết”. Người dân mong lắm nét đẹp của chữ “tình” trong câu chuyện an cư.
Tất cả đã sẵn sàng
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua hai địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp được HĐND TP Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 9/12/2022 và UBND thành phố phê duyệt dự án ngày 6/10/2023 với tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ nạo vét lòng rạch với độ sâu 3,5m, rộng 20 - 30m, cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6m, vỉa hè 3 - 4m, cùng công viên, mảng xanh...
Trong dự án này, quận Bình Thạnh có 2.122 trường hợp bị ảnh hưởng, với tổng kinh phí bồi thường gần 6.000 tỷ đồng. Có 1.273 căn nhà ở quận Bình Thạnh sẽ bị giải tỏa trắng. Trong đó, nhiều nhà không có đầy đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, một phần trên đất, một phần trên kênh rạch…
Đoạn rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn quận Bình Thạnh |
Ông Đinh Khắc Huy - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, quận sẽ bố trí tái định cư cho người dân ở ngay tại địa phương để có điều kiện hỗ trợ, chăm lo tốt hơn. Đến nay, quận Bình Thạnh dự kiến bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn.
Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ xây nhà ở xã hội tại khu đất rộng 1,21ha (số 4 Phan Chu Trinh, Phường 12, quận Bình Thạnh), quy mô 3 chung cư tối đa 20 tầng/khối, với 850 - 900 căn hộ để tái định cư cho các hộ dân dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.
Theo kế hoạch, quận Bình Thạnh sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi từ tháng 7/2024, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư tháng 4/2025 để khởi công các gói thầu xây lắp.
Giai đoạn 2021 - 2030, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà ven, trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Trước mắt giai đoạn 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn.
Hiện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đang chủ trì thực hiện đề án thí điểm cho hộ dân sống ven, trên kênh rạch được mua, thuê mua nhà ở xã hội dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới. Việc này kỳ vọng giúp thành phố đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm số lượng nhà trên và ven kênh rạch còn lại.