Đường Chân Trời đưa “Cất cánh” đến Festival Huế
Nhóm Đường Chân Trời.
Đường Chân Trời là nhóm nhạc world music của các nghệ sĩ đến từ Hà Nội được thành lập từ năm 2014.Nhóm nhạc với ba thành viên chính gồm nhạc sĩ, nghệ sĩ sáo Nguyễn Thắng, người sáng lập đồng thời là trưởng nhóm; nhạc sĩ, nghệ sĩ piano Trần Lưu Hoàng; nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thu An.
Các nghệ sĩ chính của nhóm còn có: Đào Minh Pha (Contrabass), Đỗ Mạnh Thắng (Trống), Lê Minh Đức (Organ, Piano), Nguyễn Quốc Linh (guitar)… hầu hết họ đều trưởng thành từ cái nôi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, và hiện đang hoạt động âm nhạc trong nhiều lĩnh vực như giảng dạy, sáng tác và biểu diễn… tại Hà Nội.
Trong lần đầu tiên ra mắt trong một chương trình của VTV với tác phẩm “Ruộng bậc thang” được sự hưởng ứng của giới âm nhạc và sự đón nhận của công chúng chính là động lực để các nghệ sĩ gắn bó với nhau và ngày càng mở rộng thêm thành viên cũng như khai thác những màu sắc âm nhạc mới để rồi có thêm những tác phẩm độc đáo. Những tác phẩm của Đường Chân Trời chủ yếu là sự sáng tạo của hai tác giả Nguyễn Thắng và Trần Lưu Hoàng.
Âm nhạc của Đường Chân Trời có ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, chú trọng tới âm hưởng mới lại nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với âm nhạc dân gian Việt Nam. Tính tới thời điểm năm 2016, Đường Chân Trời đã có thêm những tác phẩm được biết đến như: “Giấc mơ đại ngàn”, “Ru sen”, “Về miền ca dao mẹ”, “Mưa thu trên sông hát”, “Tiết xuân về”, “Vạt nắng xuân” của Nguyễn Thắng. Trong khi, Trần Lưu Hoàng có thêm: “Năm giờ sáng”, “Lý cây bông”, "Inh lả ơi”…
Đến với Festival Huế 2018 cũng như một cái duyên. Nhạc sĩ Nguyễn Thắng chia sẻ: “Tôi cũng chưa biết chính xác là duyên cớ nào Đường Chân Trời được mời, nhưng mà hôm có bạn ở ban tổ chức gọi điện cho tôi bạn có nói là đã xem một số tác phẩm trên youtube mà nhóm up lên, còn chắc là sẽ còn có duyên khác nữa là họ sẽ tìm được Đường Chân Trời qua ai đó mà tôi chưa biết chắc”.Dẫu cho rằng đến với Festival là một cái duyên nhưng đồng thời cũng là một cơ hội tốt để tác phẩm của nhóm đến được với đông đảo công chúng hơn.Cũng vì vậy nhóm quyết định lấy tên chương trình là “Cất cánh”.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức, “Cất cánh” sẽ kéo dài 60 phút, dẫu trong quỹ bài của nhóm cũng đã có thể đảm bảo nhưng do tính chất của Festival là một không gian ngoài trời, không gian lễ hội nên ngoài một số tác phẩm “đinh” như “Ruộng bậc thang”, “Về miền ca dao mẹ”… nhóm chủ động sáng tạo thêm trong quỹ bài của mình một số bản có âm hưởng gần gũi. Vậy là sau một thời gian luyện tập nhóm đã có thêm các bài dân ca chuyển soạn cho dàn nhạc như “Trống cơm” (Bắc bộ), “Lý chiền chiện” (Nam bộ)…
Đặc biệt là Ca Huế cũng được khai thác để đưa vào trong tác phẩm world music của Đường Chân Trời lần này. NSUT Diệu Hương sẽ là người đảm nhận phần ca, trong khi Nguyễn Thắng sẽ chơi nhạc cụ hơi Shakuachi cung rê của Nhật Bản và Trần Lưu Hoàng chơi dòng trống thép: lotus, hang drum.Hai nhạc cụ lần đầu tiên được nhóm khai thác vào trong tác phẩm của mình.Bên cạnh đó, Đường Chân Trời còn mời nhóm múa đương đại của Hồng Hạnh belly để cùng ngẫu hứng trong “Cất cánh”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thắng chia sẻ: “Cất cánh chính là bay lên. Ý tôi muốn nói những sự kết hợp này, giai điệu này, cung quãng này những cái hòa âm này sẽ phải được bay lên và cũng chính là để nhắc nhở nghệ sĩ từng thành viên của từng cây đàn một khi chơi solo hết mình cất cánh thăng hoa”.
Tại Festival lần này, Đường Chân Trời sẽ biểu diễn tại sân khấu Cung An Định từ 20h45 đến 21h45 ngày 28/4; trong khi chương trình của nhóm tại sân khấu Tây Thái Hòa sẽ bắt đầu vào lúc 19h30 đến 20h30 ngày 29/4. Ngoài ra, nhóm còn tham gia trình diễn 3 buổi âm nhạc đường phố vào các buổi chiều ngày 28-29/4 và 1/5.