Đường lậu tràn lan khiến đường trong nước lao đao
Theo Hiệp hội Mía đường, lượng đường tồn kho từ đầu vụ hiện lên đến 479.000 tấn, tổng sản lượng đường sản xuất đến ngày 19/5 đã hơn 1,36 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ chỉ 1,09 triệu tấn, đẩy mức tồn kho lên trên 700.000 tấn. Đây là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, giải thích tồn kho lớn là do thời tiết ảnh hưởng đến thời vụ, các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn kế hoạch, thậm chí nhiều nhà máy không hoạt động được liên tục. Do giá cao hơn đường nhập lậu 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến đường trong nước kém cạnh tranh. Công tác chống gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng nhưng không cải thiện được tình hình, thậm chí nạn buôn lậu mặt hàng này ngày càng tăng.
Nói về những khó khăn trong việc tiêu thụ đường, ông Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn, nhận định giá đường trong nước rất khó giảm để cạnh tranh do giá thu mua mía cao hơn Thái Lan 35%-45%, Úc 50%. Mặt khác, các nhà máy đã ký kết giá thu mua mía với nông dân từ đầu vụ nên khó giảm. "Toàn bộ làng nghề ở Hà Nội năm nay không lấy đường của chúng tôi. Các nhà máy lớn đăng ký mua nhiều nhưng chỉ nhận nhỏ giọt, chưa đến 50%. Tình trạng chưa từng xảy ra trong 20 năm qua là vào tháng 4-5, giá đường lại giảm. Trong khi đó, hiện có nhiều chất tạo ngọt có thể thay thế đường cũng tác động mạnh đến tình hình tiêu thụ đường mía", ông Thành nhấn mạnh.
Hiện tại, lượng đường tồn kho còn khoảng trên 700.000 tấn
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo ngại về loại đường lỏng bắp nhập từ Trung Quốc được các công ty bánh kẹo, nước ngọt tiêu thụ nhiều, giảm mua đường trắng trong nước. Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), cho biết theo số liệu doanh nghiệp nắm được, năm 2016 loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam. Loại đường mới có thể thay thế đường trắng này nhập vào nước ta chủ yếu từ Trung Quốc, được các công ty sản xuất bánh kẹo, nước ngọt sử dụng ngày càng nhiều.
Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM có giá khoảng 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000-17.900/kg đồng tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước. Đáng nói là đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0% trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 80%, bà Châu tiết lộ.
Bày tỏ lo lắng về chất lượng loại đường này, bà Châu cho biết một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra loại đường lỏng này được chiết xuất từ phương pháp thủy phân, có cho thêm các chất hóa học nên chắc chắn cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người sử dụng. Một số nước cũng có những quy định hạn chế loại chất ngọt thay thế này. Điều đáng lo nữa là loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen (GMO) vì cần số lượng lớn, nên Việt Nam cần kiểm soát vấn đề này.
Theo Hiệp hội Mía đường, hiện giá bán buôn đường từ Thái Lan thường thấp hơn đường Việt Nam, với mức chênh lệch hiện từ 800 - 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, mức chênh lệch giá đường Trung Quốc với đường Việt Nam là từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ đường của các công ty mía đường trong nước giảm mạnh, khiến lượng đường tồn kho tăng kỷ lục kể từ năm 2014.