Gắn trách nhiệm với từng địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Công bố thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp |
Nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế
Khi pháp luật được ban hành thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng để người dân nắm được các quy định của pháp luật; Hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật, có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Hiểu biết, tuân thủ pháp luật là cơ sở để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật giải quyết các mối quan hệ dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hình sự... phát sinh.
Luật sư Giang Hồng Thanh – Bí thư Đoàn Thanh niên Đoàn Luật sư TP Hà Nội tham gia tuyên truyền giáo dục pháp luật tại trường THPT Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm (ảnh tư liệu) |
Thực tiễn quá trình hành nghề luật sư những năm qua cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương đã thực hiện tương đối tốt, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các khu vực thành thị.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau khiến mức độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của người dân nói chung đến nay vẫn còn hạn chế, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Do thiếu hiểu biết pháp luật nên quyền lợi của người dân đôi khi bị xâm hại nhưng họ vẫn không biết để yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình. Nhiều người không biết đâu là đúng, sai, đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, hoặc gây ra những tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết; gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Không hiểu biết pháp luật dẫn tới nhiều người không chấp hành, chống đối, cản trở người thi hành công vụ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, và bản thân họ tiếp tục vướng vào lao lý.
Rất nhiều vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, phân chia tài sản, đặc biệt là tranh chấp về đất đai phát sinh trong đời sống xã hội dẫn đến các mối quan hệ hàng xóm, láng giềng bị rạn nứt, anh em, vợ chồng, cha con bị ảnh hưởng, thậm chí đối đầu. Nhiều vụ việc kéo dài đã gây ảnh hưởng đến hạnh phúc, đời sống, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí án mạng đã xảy ra do lòng tham, sự ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật, về trình tự thủ tục giải quyết...
Nguyên nhân dẫn đến việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, có thể kể đến như:
Lực lượng cán bộ chuyên trách về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương còn mỏng, chưa được trang bị kịp thời thường xuyên kiến thức pháp luật, phương tiện vật chất để đảm bảo công tác tuyên truyền hiệu quả; Nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, thực hiện việc tuyên truyền mang tính chất hình thức, lấy lệ nên hiệu quả không cao.
Hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa đa dạng, máy móc, giáo điều, chưa sử dụng có hiệu quả các phương tiện công nghệ thông tin, các thiết bị hiện đại để tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao. Nhiều địa phương chưa quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên có kiến thức, kinh nghiệm, có kỹ năng tốt; Chưa đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng này khiến cho người hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật không có đam mê, hứng thú, không có động lực cũng như trách nhiệm không cao trong việc thực hiện nhiệm vụ;
Chưa huy động tối đa các nguồn lực để tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là huy động lực lượng là luật sư, luật gia, những người hiểu biết pháp luật tham gia cùng với cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Đặc điểm văn hóa của người phương Đông là coi nặng vấn đề tình cảm, coi nhẹ vấn đề về lý nên trong đời sống xã hội, nhiều người không quan tâm đến pháp luật, luôn lấy tình cảm để giải quyết thay cho pháp luật...
Cùng với đó là ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân nên tư duy "phép vua thua lệ làng", dùng "lệ làng" để chống lại "phép vua"- pháp luật là hiện tượng kéo dài dẫn đến tình trạng người dân thờ ơ với pháp luật. Thậm chí, tình trạng khinh nhờn pháp luật vẫn diễn ra nên việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ có những khó khăn nhất định...
Vận dụng khoa học, công nghệ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Để pháp luật làm thước đo cho tính hợp pháp và văn minh của hành vi con người thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là rất quan trọng, cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp như: Kiện toàn đội ngũ cán bộ, cơ quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương; Đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện về kinh tế cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và trách nhiệm của cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ.
Gắn trách nhiệm với từng địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa ra các tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả trong công tác truyền tuyên truyền, từ đó xem xét việc thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường tham gia tố tụng tại Toà (ảnh tư liệu) |
Huy động lực lượng luật sư tham gia đóng góp cho việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa phương góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật như qua các ấn phẩm sách, báo, phim, ảnh, qua hệ thống phát thanh, truyền hình, qua hội họp, hội thảo, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện..
Vận dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có thể sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, trí tuệ nhân tạo vào công tác tuyên truyền để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ vận dụng và phải sử dụng.
Phát triển mạnh mẽ các lực lượng bổ trợ tư pháp, phát triển đội ngũ luật sư về số lượng, chất lượng, phân bố đều phải rộng khắp ở các địa phương để kịp thời hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và giúp người dân sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một xã hội chỉ văn minh, tiến bộ khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khoa học, có tính khả thi và người dân hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một xã hội văn minh là con người lấy pháp luật làm thước đo cho hành vi của mình. Chuẩn mực pháp luật cũng sẽ là chuẩn mực đạo đức xã hội, trở thành nét văn hóa trong ứng xử đời sống xã hội.