Gặp lại "kẻ tội đồ" khắc tinh với tội phạm Dương Tự Trọng
![]() |
Dương Tự Trọng tại buổi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa
Kẻ “Tội đồ, từng là chiến sĩ công an kiên cường, khắc tinh với tội phạm” ấy là cựu Đại tá, cựu Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Hải phòng Dương Tự Trọng. Và oái oăm thay, bây giờ, anh lại là một tù nhân, đang lao động cải tạo trong một nhà tù, gần chân núi Tam Đảo.
Tôi không phải bạn Dương Tự Trọng, cũng không quen biết anh. Chỉ nghe tên anh thôi. Cách đây gần hai chục năm, lần nào về Hải Phòng, tôi cũng nghe người dân thành phố và các chiến sĩ công an ca tụng anh.
Họ coi anh như một người anh hùng chống tội phạm, dù anh không có tên trong danh sách các anh hùng. Tôi cũng đã tìm đến anh để hỏi chuyện. Nhưng cả hai lần xuống Hải Phòng đều không gặp được. Lúc ấy anh đang đánh những trận án lớn. Rồi sau đó, oái oăm thay, anh lại dính vào lao lý và bị phạt tù.
Nhân dịp về dự Lễ Khánh thành Trạm phát sóng trên đỉnh núi Tam Đảo của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi quyết định ghé qua nhà tù thăm anh. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi thăm một người tù.
![]() |
Dương Tự Trọng bị kết án 18 năm tù (Ảnh Đời sống pháp luật)
Lần giở những trang viết của các phóng viên, các học giả theo dõi rất kỹ mấy vụ án động trời của hai anh em Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, với cái nhìn khoa học và khách quan, ta không khỏi ngậm ngùi và nuối tiếc.
Thật có lý khi ký giả Hoàng Chiến Thắng cho rằng, nếu vụ án Dương Chí Dũng ở Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” thì vụ xét xử Dương Tự Trọng lại được xem như là một “đại án nhân tâm”.
Gọi “đại án nhân tâm”, vì vụ án này từ khi bắt đầu cho đến lúc kẻ phạm tội đứng trước vành móng ngựa, cảm giác trong công chúng là sự nuối tiếc hơn là căm giận. Hầu hết từ dư luận xã hội cho đến đồng nghiệp trong ngành công an đều có cảm giác chung là tiếc cho Dương Tự Trọng.
Cũng theo Hoàng Chiến Thắng, một người có sự am tường khá sâu sắc về các vụ việc, thì trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nói về đánh án hình sự ở phía Bắc, có mấy cán bộ công an được coi là có biệt tài, đó là Phan Văn Vĩnh (GĐ Công an tỉnh Nam Định – sau đó là Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm).
Nguyễn Đức Nhanh (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, rồi sau là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng đã nghỉ hưu) và Dương Tự Trọng.
Như vậy, Dương Tự Trọng là một cán bộ nằm trong số những người có tài, có công đối với ngành công an, một “khắc tinh” của những kẻ tội phạm.
Và rồi trớ trêu sao, nói như Hoàng Chiến Thắng, sau hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp, làm nên vẻ đẹp vẻ vang của ngành công an, anh lại phải đứng sau song sắt cùng với những kẻ đầu trộm đuôi cướp trước đây đã từng “đầu hàng” anh.
Âu đó cũng là sự trớ trêu của số phận !
Dương Tự Trọng cũng vì liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật để rồi dẫn đến thân bại danh liệt. Thật đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, giả sử nếu đặt mình ở hoàn cảnh của Dương Tự Trọng, mình sẽ ứng xử thế nào?
![]() |
Dương Tự Trọng khi còn là đại tá công an (Ảnh Thanh niên)
Quả là rất khó thoát khỏi vòng “tội lỗi” !
Tôi không bênh vực Dương Tự Trọng. Nhưng những hệ lụy vì tình nghĩa, cả anh và những người đồng đội của anh, những người cũng vì anh, vì cái tình đồng nghiệp, bạn bè, hoàn toàn không vụ lợi, mà rồi mắc trọng tội, âu cũng cần nhìn nhận thấu đáo.
Và nói như Hoàng Chiến Thắng: Giá như Dương Tự Trọng sa ngã vì danh vọng, vì tiền bạc chứ không phải chỉ vì tình anh em ruột rà, máu thịt, có lẽ, người ta sẽ thấy đỡ tiếc hơn.
Và không phải chỉ những kẻ vị tình mà mắc tội, ngay cả những nhà kinh tế, những nhà doanh nghiệp cũng cần được nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, nhất là trong hoàn cảnh nước ta hiện nay. Nhìn lại nhiều vụ án kinh tế, quả có bao chuyện đáng phải lưu tâm.
Nhiều người đúng là có tội lớn, để thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của dân, nhưng nếu bảo họ tham nhũng thì hình như cũng không phải.
Xin đơn cử như Lã Thị Kim Oanh. Bà vốn là cô giáo dạy văn ở Hải Phòng. Rồi bỏ dạy đi làm kinh tế. Bà làm thất thoát một khoản tiền rất lớn, từng bị tuyên phạt tử hình vì tham nhũng. Rồi sau hạ xuống Chung thân.
Bị coi là tham nhũng, nhưng nhìn vào tài sản riêng, bà chẳng có gì cả. Một căn hộ hơn 30 mét vuông trên tầng tư nhà tập thể, bán không nổi một tỷ bạc. Làm sao bà có thể tham nhũng khi cả chồng và con đều đói rách, bần hàn.
Nhiều vị khác từng dựa cọc hay đứng trước vành móng ngựa cũng thế. Họ có thể có tội. Thậm chí tội rất lớn. Nhưng không phải tội tham nhũng. Nói cho đúng hơn, họ chỉ làm thất thoát tài sản.
Mà thất thoát là tất yếu. Để có công trình, họ phải chạy dự án. Có dự án rồi, họ lại phải “chạy” tiếp để qua được tất cả các cửa thủ tục. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Làm gì cũng phải có tiền bôi trơn thì việc mới xong!”.
Và đến khi xảy ra sự cố thì chính kẻ khốn khổ ấy phải chịu hết mọi tội lỗi, còn kẻ tham nhũng thật sự, nghĩa là kẻ nhận tiền, một khoản tiền rất lớn từ chính họ thì vẫn sống nhởn nhơ, sống bình yên vô sự ngoài vòng pháp luật vì “chẳng có gì liên quan”.
Chúng ta đang chống tham nhũng. Làm sao chấm dứt được dứt điểm tệ nạn này để giải thoát cho các nhà doanh nghiệp và giải thoát cho dân. Một đất nước mà để làm bất cứ một việc gì, từ nhỏ đến lớn, muốn được việc, cũng cứ phải đút lót, cứ phải bôi trơn và coi đó như một điều hiển nhiên thì đấy là một thảm hoạ.
Mọi nỗi đau khổ cũng từ đấy mà ra cả. Sự mất niềm tin vào chính thể cũng từ đấy mà ra. Nếu không ngăn chặn được triệt để thảm hoạ này thì ta không thể hình dung được những hậu quả khủng khiếp của nó.
Nhưng làm thế nào để chấm dứt được dứt điểm thảm hoạ này thì đấy là một vấn đề lớn, ta sẽ bàn vào một dịp khác. Còn bây giờ, tôi đang chờ người “anh hùng” một thuở…
Dương Tự Trọng trở về từ khu lao động cải tạo. Anh chỉ có được ba mươi phút để gặp tôi. Anh ứa nước mắt: “Em phải mượn bộ quần áo thường dân này trong ít phút tiếp anh để anh khỏi ngỡ ngàng. Em cũng không ngờ anh lại đến thăm em ở đây. Cũng không thể ngờ anh em mình lại gặp nhau trong cảnh ngộ thế này”.
“Mình đã từng đến tìm ông…”. “Em biết. Nhưng lúc đó, em phải đi bắt một tên cướp rất nguy hiểm. Về thì anh đã đi rồi. Còn những lần khác thì em lại không phải là thành phần để được tiếp anh. Em còn là lính cảnh sát hình sự ở đơn vị. Hôm đọc bài anh viết về em khi vụ án vừa xử, thú thực em đã khóc. Cả nhà em cũng khóc…”.
“Bây giờ thì ông làm gì?”. “Em lao động. Làm bất cứ việc gì. Nuôi cá. Trồng rau. Khuân vác. Thành quả của em kia kìa!…”. Dương Tự Trọng chỉ ra ngoài cửa sổ trạm gác. Một triền đồi xanh mướt rau khoai. Rồi mấy ao cá. Mấy vạt ngô. Trông anh như một lão nông đang trong mùa thu hoạch nông sản.
![]() |
Dương Tự Trọng tại phiên tòa xét xử (Ảnh Vietnam net)
“Nếu không có sự cố, khéo bây giờ ông lên Tướng rồi. Việc không tố cáo ông anh phạm tội là điều có thể hiểu được. Nhưng còn việc giúp ông ấy chạy trốn thì thật không ổn một chút nào…”.
“Vâng! Em biết chứ. Em biết là không thể trốn được. Khi công an quyết bắt thì không thể trốn được. Em là cảnh sát hình sự. Em biết rất rõ điều này. Chính em cũng khuyên anh em ra đầu thú. Nhưng anh ấy cứ muốn làm như vậy mà em không thể ngăn được thì cũng đành phải chiều thôi, vì đó là anh ruột, lại đang lúc hoạn nạn.
Biết làm thế nào. Bỏ anh thì không đành mà cứu anh thì sẽ chết theo anh. Em biết anh ấy sẽ bị bắt. Không chóng thì chầy, anh ấy sẽ bị bắt. Đấy là điều không thể khác được. Em là cảnh sát hình sự. Em rất hiểu điều này. Và bây giờ thì anh thấy đấy. Tất cả đều đúng như những gì em đã biết trước…”.
“Mình tin rằng, với truyền thống gia đình, với thành tích xuất sắc của ông trong chiến đấu chống tội phạm và với cả những đóng góp rất lớn của ông cho ngành, rồi ông cũng sẽ sớm được ân xá thôi. Tôi mong thế. Nhiều người hiểu ông và các đồng nghiệp của ông đều mong thế. Nếu được ra tù thì ông sẽ làm gì?”.
“Trở lại với ngành thì chắc không thể rồi. Nếu có được ưu ái thì em cũng đã hết tuổi. Em sẽ tìm một việc làm gì đó để kiếm sống. Rồi em sẽ viết về những kinh nghiệm chống tội phạm, để trao truyền cho đồng đội mình và các em ở thế hệ sau. Em chỉ còn mỗi cách đó để cống hiến nốt cho ngành thôi".
Dương Tự Trọng ngồi lặng. Có lẽ chẳng có ai yêu công việc của một cảnh sát hình sự như anh. Nhưng số phận thật nghiệt ngã. Tiếc cho anh. Tiếc cho cả ngành công an nữa. Đau biết bao!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Bộ đội Biên phòng khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc

Người nổi tiếng quảng cáo sai cần phải liên đới bồi thường

Lý do Đà Nẵng hủy bỏ 27 cuộc thanh tra năm 2025

Từ đêm 10/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát

Quốc hội thảo luận việc siết người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm

EVN điều chỉnh giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5

Thành phố Hà Nội bổ sung thêm 49 trạm xe đạp công cộng

Cô gái Nùng và ước mơ mở gara sửa chữa ô tô điện

TP Hồ Chí Minh thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, phát triển metro
