Giá xét nghiệm áp dụng mỗi nơi một mức, có hay không lợi ích nhóm?
Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2 Quốc hội dự kiến chất vấn việc quản lý giá xét nghiệm Covid-19 |
Sáng nay (10/11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về y tế.
Hàng loạt các vấn đề thuộc lĩnh vực y tế như: Dự báo tình hình dịch, kế hoạch tiêm vắc xin, loạn giá xét nghiệm Covid, quy định về cách ly F1, nhân lực ngành y... được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng thời gian qua xét nghiệm Covid-19 mỗi nơi áp dụng một giá, liệu có lợi ích nhóm không?
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) thắc mắc Việt Nam có thể sản xuất được bộ kit xét nghiệm nhưng tại sao phải nhập khẩu và trách nhiệm của Bộ Y tế trong điều tiết giá mặt hàng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về quản lý trang thiết bị y tế, sinh phẩm, trước đây không thuộc mặt hàng quản lý trong Luật Giá. Ngoài ra, giá các mặt hàng cũng khác nhau giữa các hãng, các quốc gia sản xuất. Cùng một mặt hàng nhưng qua các thời điểm khác nhau giá cũng thay đổi, phụ thuộc nhu cầu và khả năng nguồn cung.
Đầu mùa dịch 2020, khi đó giá khẩu trang nhu cầu cao nhưng nguồn cung không đủ; Hay như găng tay, máy thở… có lúc khan hiếm, nhiều quốc gia tranh mua nên giá mặt hàng bị đẩy lên.
Sau đó, do có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất mặt hàng này nên giá được hạ xuống. Vấn đề này, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai một số giải pháp.
Thứ nhất, minh bạch hóa đối với cung ứng sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các đơn vị kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai niêm yết giá trên Cổng thông tin Bộ, đến nay đã có 69.235 sản phẩm đã niêm yết giá và đấu thầu có 93.253 kết quả đã được niêm yết giá công khai. Từ đó, các đơn vị tham khảo, đấu thầu để cung ứng cho địa bàn của mình.
Thứ hai, Bộ yêu cầu tất cả doanh nghiệp tăng nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm. Thứ ba, tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.
Thứ tư, tăng cường vận động hỗ trợ, tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế. Hiện đã vận động được trên 50 triệu bộ test Covid-19.
Thứ năm, tăng cường giảm giá thành. Bộ liên tục yêu cầu gộp mẫu khi test nhanh với test nhanh là gộp 3 mẫu, test PCR là gộp 10 hoặc gộp 20 song vẫn đảm bảo yêu cầu về khoa học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn |
Bộ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện theo phương thức “thực thanh thực chi”. Trường hợp người dân tự nguyên tới xét nghiêm và thu phí thì chỉ được thu bằng giá đầu vào. Vì thế, có xảy ra chênh lệch giá giữa các đơn vị và các cơ sở tư nhân.
Từ tháng 9/2021, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chỉ được thu phí xét nghiệm bằng mức giá nhập vào nhưng một số đơn vị có nhận lỗi là do bận chống dịch nên chưa thực hiện được. Bộ đã nhắc các địa phương chấn chỉnh việc này.
Bộ cũng đã có văn bản, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có văn bản nhắc nhở địa phương về việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm. Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, đưa vấn đề đấu thầu sinh phẩm, trang thiết bị y tế vào trong chương trình thanh tra năm 2022.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo nguồn cung và giảm giá thành sản phẩm, chúng ta đã thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện có 8 đơn vị sản xuất cung cấp test nhanh và test PCR, bây giờ là test kháng thể. Về khả năng cơ bản đáp ứng đủ.
Bộ cũng thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất phương pháp chẩn đoán mới như qua hơi thở, qua nước bọt để giảm giá thành và tăng tiện ích.
Tháng 11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều điểm mạnh như chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm; Minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý…
Đặc biệt việc quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế đã được đưa vào danh mục quản lý giá, để có thể thực hiện bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.