Giải "cơn khát" nước sạch tại các huyện ngoại thành Hà Nội
Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp |
Nước sạch về mang đến niềm vui
Dẫn phóng viên "tham quan" hệ thống nước sạch của gia đình mới được lắp đặt từ đầu năm 2022, ông Phạm Văn Hùng (xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) hồ hởi cho biết, cuộc sống của gia đình ông đã thay đổi rất tích cực từ khi dự án Nhà máy nước sạch Mê Linh đi vào hoạt động. "Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của gia đình tôi chủ yếu là giếng khoan - vừa dùng vừa run. Bây giờ thì chúng tôi yên tâm hơn nhiều rồi" - ông Hùng cho hay.
Người dân huyện Mê Linh hưởng lợi từ các dự án nước sạch |
Cùng chia sẻ niềm phấn khởi với ông Hùng là khoảng 36.000 hộ dân tại 12 xã của huyện Mê Linh (bao gồm Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà, Chu Phan, Tiến Thịnh, Vạn Yên, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Thanh Lâm, Tam Đồng, Kim Hoa). Được biết, Nhà máy nước sạch Mê Linh có công suất thiết kế 25.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng. Để đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân, chủ đầu tư đã xây dựng mạng lưới truyền dẫn, phân phối và dịch vụ cấp nước cho người dân 12 xã nêu trên và khớp nối với hệ thống cấp nước trong khu vực.
"Dự án Nhà máy nước sạch Mê Linh đi vào hoạt động đã giúp khoảng 80% hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch" - một lãnh đạo huyện Mê Linh cho hay.
Dự án Nhà máy nước sạch Mê Linh có tổng mức đầu tư (tạm tính) khoảng 670 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 150 tỷ đồng; vốn vay thương mại và huy động hợp từ các nguồn vốn hợp pháp khác là gần 520 tỷ đồng. |
Tại Sơn Tây, ông Nguyễn Viết Đạt (Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây) cho biết, trong năm 2022, thị xã đã lắp đặt thêm 23km đường trục và tuyến ống phân phối nước sạch, nhờ đó, cơ bản phủ kín và tỷ lệ cung cấp nước sạch trên địa bàn đạt 100%. Thời gian tới, thị xã Sơn Tây tiếp tục đầu tư hệ thống còn thiếu tới các khu vực khó khăn về địa lý, như thôn Lòng Hồ (xã Thanh Mỹ) hay các ngõ, ngách có dưới 10 hộ dân...
Tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu nước sạch toàn dân
Bên cạnh những kết quả tích cực ở một số địa phương, "cơn khát" nước sạch vẫn khá căng thẳng tại đa phần các huyện ngoại thành của Hà Nội.
Cụ thể, mặc dù thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch từ năm 2013, song đến nay người dân huyện Chương Mỹ vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, nguồn nước sạch chính của huyện vẫn là từ các trạm cấp nước cục bộ, xây dựng trong giai đoạn 1998-2015.
Nước sạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân |
Tại Đan Phượng, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 8 xã của huyện Đan Phượngmới chỉ thi công giai đoạn 1 tuyến ống truyền dẫn nối từ huyện Hoài Đức đến thị trấn Phùng. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là chưa có nguồn nước sạch, do Nhà máy nước sạch sông Hồng chưa hoàn thành.
Đối với huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Kim Loan (Phó Chủ tịch UBND huyện) cung cấp, còn 11/23 xã trên địa bàn chưa có hệ thống nước sạch. Các hộ dân tại những xã này sử dụng chủ yếu nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan và máy lọc nước gia đình. "Đề nghị sở Xây dựng phối hợp với huyện rà soát, thống kê các xã chưa có hệ thống nước sạch; đề xuất danh mục kêu gọi nhà đầu tư nhà máy nước sạch nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân" - ông Loan nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các địa phương: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Nhờ đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.