Giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại buổi hội thảo cung cấp thông tin về những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Bài liên quan
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải bắt kịp tiến trình phát triển KT-XH trong thời đại mới
Giải quyết bất cập trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Khói mù mịt sau vụ thu hoạch lúa ở ngoại thành
Sôi nổi hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới
Những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường nên với những mục tiêu căn bản, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, đề xuất sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân.
Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường Lê Hoài Nam nhấn mạnh đến những quy định mới để giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí, các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; Chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải; Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải đối với của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành; Lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải gây ô nhiễm môi trường; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; Chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh thì UBND đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực (nhân lực, vật lực ....) tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Riêng đối với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.
Việc quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải (bên cạnh các quy chuẩn khí thải công nghiệp, chăn nuôi, lò đốt...) là phù hợp để đảm bảo phân công 1 cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Đưa ra công cụ mới để quản lý nước thải
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ thay đổi cách tiếp cận bảo vệ môi trường nước từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường.
Để thực hiện theo cách tiếp cận này, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nắm bắt được hiện trạng sức chịu tải của nguồn nước và các nguồn đang thải vào, cũng như có phương án phân bổ hạn ngạch xả thải phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng mục tiêu, phương án giảm phát thải vào những nguồn nước đã bị ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng nước.
Để thực hiện nhất quán các hoạt động này, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra một công cụ mới là Kế hoạch quản lý chất lượng nước.
Kế hoạch quản lý chất lượng nước gồm những nội dung chính là: các mục tiêu bảo vệ chất lượng nước; Thực trạng phân bố nguồn ô nhiễm, loại và tổng lượng ô nhiễm; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, phân bổ hạn ngạch xả thải; Xác định mục tiêu và lộ trình giảm phát thải vào nguồn nước đối với nguồn nước đã không còn khả năng chịu tải; Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nước, cải thiện chất lượng nước.
Đây là công cụ cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được các nguồn nước mặt trên địa bàn quản lý, từ đó có biện pháp phân bổ hạn ngạch xả thải, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo không có nguồn nước nào bị tiếp nhận thêm nước thải khi đã không còn sức chịu tải.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải.
Đây là quy định phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế (các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có quy định tương tự) bởi rõ ràng là nếu nguồn nước đã không còn sức chịu tải mà vẫn phải đón nhận thêm những nguồn thải mới thì chắc chắn nguồn nước đó sẽ bị ô nhiễm trầm trọng hơn, khó có thể phục hồi, việc xử lý, cải tạo chất lượng nước (khi vẫn tiếp nhận các nguồn xả thải mới) sẽ đòi hỏi chi phí vô cùng lớn và thậm chí là không khả thi.
Mặt khác, nếu không thực hiện quy định này thì không khác gì “đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước.