Giáo dục Thủ đô tự hào là hình mẫu cả nước
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội động viên nhà giáo dịp Tết Hà Nội tuyên dương học sinh đạt giải quốc gia cấp THPT |
Phát triển toàn diện
Để xứng đáng với kỳ vọng ấy, trong năm 2023, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Quốc Toản khen thưởng học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố được tăng cường. Công tác tham mưu về cơ chế chính sách được thực hiện chủ động. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên.
Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Không chỉ vậy, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Trong năm 2023, thành phố đã tổ chức an toàn 6 kỳ thi. Năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022. Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất cả nước với 1.232 điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022.
Trong đó, khối giáo dục thường xuyên đạt gần 98,3%, tăng 2% và tăng 4 bậc so với năm 2022. Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao khen thưởng tới các tập thể đạt thành tích xuất sắc năm học 2022 - 2023 (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp Đảng năm học 2022 - 2023 tại các trường thuộc Sở là 92 em, bằng hơn 3 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022) 26 học sinh.
Năm 2023, UBND thành phố trình Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng 1 “Nhà giáo Nhân dân” và 56 “Nhà giáo ưu tú” cho các nhà giáo thuộc thành phố Hà Nội.
Điểm lại những thành tích đáng tự hào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: “Những thành tích, vinh dự đó có phần đóng góp công sức rất lớn của các thầy giáo, cô giáo, đã và đang miệt mài, thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Kết quả của năm học 2022 - 2023 khẳng định sự cố gắng, quyết tâm phấn đấu của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc nỗ lực cố gắng phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, tạo những bước chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng thành tích của ngành Giáo dục Thủ đô năm học 2022 - 2023 (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Đầu tư xứng tầm
Để có được sự phát triển toàn diện và những thành tích đáng tự hào ấy, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò, không thể không kể đến sự quan tâm lớn từ các ban, ngành thành phố, sự đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục của cả hệ thống chính trị. Là Thủ đô, trái tim của cả nước, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo.
Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ban hành Chương trình 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Trong đó, thành phố tập trung phát triển trường học chất lượng cao, xây dựng trường học thông minh, trường học tiên tiến hiện đại, phấn đấu ngang tầm khu vực và quốc tế, thúc đẩy mô hình quản trị nhà trường…
Học sinh trường Tiểu học Trung Phụng trong một giờ học (Ảnh: Phạm Mạnh) |
HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, nghị quyết chuyên đề về xây dựng cải tạo trường học; trong đó ngân sách thành phố và quận huyện để thực hiện đầu tư ở 653 trường học với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.
Tính đến tháng 12/2023, Hà Nội có quy mô gần 2.900 cơ sở giáo dục đào tạo, khoảng 2,2 triệu học sinh và hơn 125.000 giáo viên. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,7%.
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội xác định chuyển đổi số, công nghệ thông tin là phương tiện hữu ích. Những năm qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục.
Cụ thể, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022 - 2023, các trường học trên địa bàn Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Điều đặc biệt, năm học 2024 - 2025 tới đây, Hà Nội sẽ triển khai tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các trường học, cấp học để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, giải quyết tình trạng xếp hàng nộp hồ sơ do quá tải trường lớp.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội chúc mừng các thầy cô giáo, các em học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2023 - 2024 |
Năm 2024 đến với nhiều cơ hội mới, thách thức và cả niềm tin Nhân dân Thủ đô dành cho các nhà trường, các thầy cô giáo và toàn ngành Giáo dục.
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để các trường được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo... qua đó, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục đại trà giữa các địa phương trên địa bàn.
“Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 11).
Ngành thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.