Giao lưu với nhạc sĩ Phạm Tuyên và ra mắt sách “Bài hát lớn lên cùng con“
Ra mắt sách Phụ nữ và Tự do: Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, ông cũng đã giữ một vị trí quan trọng mà không phải nhạc sĩ nào cũng đạt được.
Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng những bài hát của ông như: Cô và mẹ, Trường cháu là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ… nhưng không phải ai cũng biết, phía sau mỗi giai điệu, lời ca trẻ thơ thân thuộc ấy lại có một câu chuyện ít người được biết.
Cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” |
Cuốn sách là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Có thể nói, mỗi bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi.
Kí ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát của bố, năm tuổi thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái “Tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh”. Trường cháu là trường Mầm non là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài “Mầm non ca” cùng với Cả tuần đều ngoan bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc.
Rồi khi Hồng Tuyến vào lớp Một và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp Một, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay…
Cuốn sách được xuất bản nhân dịp sinh nhật 94 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Không chỉ là kí ức riêng tư của tác giả Phạm Hồng Tuyến, nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn bó với những người bạn đồng trang lứa của cô, khi thì là các bạn ở tại Khu tập thể Khương Thượng, lúc lại là các bạn cùng học lớp 12A chuyên Nga trường Lý Thường Kiệt…
Đến với “Bài hát lớn lên cùng con”, người đọc sẽ gặp một “khung trời hoài niệm” về các bài hát như những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Với những “khuôn hình” hồi ức, chúng ta có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ và đặc biệt đó là những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuôn nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam.
Độc giả sẽ được tìm hiểu về nhiều bài hát đi cùng nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam trong cuốn sách |
Điều đáng quý, nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã kể lại câu chuyện riêng tư của mình với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh. Đọc sách, người đọc thấy một nhạc sĩ Phạm Tuyên gần gũi, thân thương hơn, luôn yêu chiều cô con gái nhỏ thích hát ca, thích bày tỏ, chia sẻ… để rồi từ đó sáng tác cho con và tuổi thơ trang lứa của con…
Trong “Bài hát lớn lên cùng con”, bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát. Đặc biệt, gần tựa đề mỗi bài hát đều được gắn một mã QR, người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, có những bài “nguyên gốc” từ tư liệu hiếm có, rất sống động.
Để cùng tìm hiểu nội dung “Bài hát lớn lên cùng con”, và có thêm khoảng thời gian đọc sách thú vị, 9h30 thứ bảy ngày 18/2 tại Trụ sở số 55 Quang Trung, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách với sự tham dự của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà báo Phạm Hồng Tuyến, nhà báo Tạ Bích Loan (một nhân vật được nhắc đến trong sách) cùng những vị khách mời đặc biệt đã có những kỉ niệm gắn bó và lớn lên với các bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ngoài phần giao lưu, ngay tại hội trường tầng 3 của Nhà xuất bản cũng sẽ trưng bày một số hiện vật quý hiếm, gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Tuyên do chính ông chọn lựa để mang tới trưng bày. |