Giao thoa văn hóa Thăng Long, xứ Đoài
Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
Dù rộng hay hẹp, xứ Đoài cũng là tên gọi độc quyền để chỉ đất Sơn Tây. Rộng thì là một thừa tuyên, một trấn lớn với 6 phủ, 24 huyện vào thời quốc gia Đại Việt, vắt sang bờ bên kia của sông Hồng, nơi hiện là đất Việt Trì, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Hẹp hơn thì là một tỉnh nằm trong sông Hồng, sông Đáy, sông Đà, giữa đôi bờ sông Tích như cương vực được hoạch định đầu thế kỉ XX. Đó là đất bán sơn địa phía Tây Thăng Long, nơi núi đồi xen kẽ với đồng bằng, bãi bồi xen lẫn các gò đất cao, đồng chiêm ô trũng xen kẽ những đầm hồ, vực lớn, đồi gò xen lẫn khe rộc…
Nhìn lại lịch sử văn hóa, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của hai vùng đất này cũng có những nét tương đồng, gắn bó và bổ trợ nhau. Trong dựng nước và giữ nước, nhân dân ta thường đấu tranh với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều và giành thắng lợi nhờ tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Trong đó, Hà Nội và Hà Tây thực chất như một, gắn kết với nhau, từ thời nhà Trần, nhà Lê đến sau này.
Hà Tây với những “cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ”, với “chiếc gậy Trường Sơn”… vẫn được xem như phên giậu, như cửa ngõ, tấm áo giáp giúp Thủ đô nghìn năm bền vững. Mười năm kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, những nét đẹp trong văn hóa của vùng đất Hà Tây cũ vẫn đang được gìn giữ.
Nghị quyết số 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra vận hội mới cho Thủ đô, nâng diện tích lên tầm vóc của 17 thủ đô lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đối với văn hóa và tâm linh con người thì Thủ đô mở rộng đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” từ ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận.
Về góc độ văn hóa, Thăng Long xưa, Hà Nội trước và sau khi mở rộng đều nằm chung trong khu châu thổ sông Hồng. Nói đến văn hóa, người ta vẫn hay gọi chung là văn hóa sông Hồng. Mặc dù Hà Tây và Hà Nội xưa, mỗi nơi có nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng nét chủ đạo, nét chung vẫn là văn hóa sông Hồng.
Nếu vùng văn hóa Thăng Long - cái nôi của nền văn hóa dân tộc, hình thành cùng với nền văn minh sông Hồng được đắp bồi, là kết tinh của văn hóa tâm linh và hào khí dân tộc thì văn hóa xứ Đoài cũng là “một vùng trời đất gấm hoa”. Có ý kiến lo lắng, sự kết hợp giữa hai vùng văn hóa lớn này nếu cùng cộng hưởng, giao thoa, thẩm thấu vào nhau thì mỗi bên có bị tổn hại, bị phai nhạt bản sắc văn hóa của mình không? Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, lực lượng trí thức văn nghệ sĩ, nghệ nhân làm văn hóa của cả Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều rất gắn bó, hòa đồng, kề vai sát cánh mở rộng giao lưu, trao đổi, hợp tác, phát huy hết tiềm năng và sức sáng tạo của mình, nâng hoạt động văn hóa Thủ đô lên tầm cao mới, làm sáng tỏ ý nghĩa tương tác tích cực và hiệu quả giữa các vùng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận định: “Sau khi hợp nhất vào Hà Nội, trở thành những công dân Thủ đô thì đời sống của người dân Hà Tây cũ cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đường làng ngõ xóm cũng được sửa sang, đời sống khấm khá lên. Nhiều cụ già nói với tôi, cái họ thấy là được nhiều hơn lúc trước. Nhiều vùng quê ở Hà Tây sau khi hợp nhất được áp dụng những mô hình sản xuất công nghệ cao. Đấy là những nét tương đồng, hỗ trợ cho nhau phát triển tốt đẹp hơn”.
Hơn 10 năm, chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được bản chất đặc sắc và tinh túy của mình. Các nên văn hóa cùng phát triển hài hòa, bổ sung cho nhau một cách có chọn lọc, để vươn tới tầm cao, đạt tới giá trị tinh hoa đích thực, tạo thành giá trị văn hóa Thủ đô.