Giáo viên mầm non chật vật mùa dịch Covid-19
Giáo viên một trường mầm non ở quận 12 (TP HCM) nghỉ việc không lương phải bán cháo dinh dưỡng, hoa quả để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch (nguồn: Laodong.vn)
Bài liên quan
Giáo viên mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực nhất
Bộ GD&ĐT tôn vinh những tấm gương điển hình trong giáo dục mầm non
Đề xuất không giảm biên chế với giáo viên mầm non: Niềm khích lệ với “cô nuôi dạy trẻ”
Quy định về tuyển sinh đào tạo cấp bằng thứ hai trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non
Cô giáo mầm non chủ động ứng dụng công nghệ trong dạy học
Bán hàng online, dọn nhà theo giờ
Chị Nguyễn Thị H làm giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận Hà Đông (Hà Nội). Một tháng nay, chị ngóng đợi chiều thứ sáu hơn bất kỳ ai khác. Chị thấp thỏm chờ thông tin tuần tới đã được đến trường dạy học hay chưa như nắng hạn mong mưa.
Chồng làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh nên dù đồng lương giáo viên mầm non không khá khẩm hơn so với nhiều nghề khác nhưng đó vẫn là khoản tiền có ý nghĩa lớn đối với gia đình chị.
Tuy nhiên, những ngày học sinh nghỉ học, trường tư thục không có nguồn thu, chị chỉ nhận được một phần rất nhỏ hỗ trợ từ nhà trường coi như “giữ chân” giáo viên. “Dịch bệnh hoành hành nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Thời gian nghỉ dạy, tôi đã xoay xở nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập. Từ việc bán hàng online đến đi dọn dẹp nhà theo giờ, tôi chẳng ngại việc gì. Cũng mệt mỏi, vất vả nhưng tôi đành cố gắng để qua giai đoạn khó khăn này”, chị H tâm sự.
Buổi sáng, sau khi vệ sinh cá nhân cho con cái, cho chúng ăn xong, chị H tất tưởi đi đến xưởng bán đồ gia dụng gần nhà lựa chọn các mặt hàng để nhập về bán. Khi công việc này vừa xong, người phụ nữ dáng nhỏ nhắn lại đến mấy chung cư ở trung tâm quận Hà Đông để dọn dẹp nhà theo giờ. Công việc này, chị H tìm được trên các diễn đàn mạng. Chị chia sẻ: “Mỗi tiếng dọn nhà tôi được trả công 50.000 đồng. Mỗi ngày tôi làm 2 ca, mỗi ca 2 tiếng, tính ra được 200.000 đồng. Tuy nhiên, phải 2 - 3 ngày các gia đình mới thuê người lau dọn một lần”. Buổi tối, chị H tranh thủ đăng các mặt hàng gia dụng lên trang cá nhân hoặc gói hàng, giao cho khách.
Cũng trong bối cảnh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều giáo viên các trường ngoài công lập như chị H đang phải tính cách tự “cứu” mình. Người thì trả nhà trọ về quê để bố mẹ nuôi, hay đến xin ở nhờ trường học, đi làm thêm, bán hàng, có người nghĩ đến việc làm xe ôm công nghệ...
Sau Tết, vừa đi làm được ba ngày thì có thông báo học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị L (giáo viên mầm non ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại tất tả tay xách nách mang hành lý, con cái về quê tránh dịch.
Chị L chia sẻ: “Vợ chồng mình vẫn còn ở nhà thuê, thu nhập bấp bênh trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Mình đã thử đi tìm vài công việc bán thời gian khác nhưng không được. Ở đâu họ cũng yêu cầu làm lâu dài nên mình đành chịu và tạm đưa con về quê. Ít ra cũng đỡ được tiền chợ búa, điện nước”.
Cầm cự chờ dịch bệnh nhanh kết thúc
Chị H, chị L vẫn là giáo viên mầm non may mắn khi so sánh với nhiều đồng nghiệp khác. Có nơi, lãnh đạo nhà trường quyết định rút tiền tiết kiệm gia đình để thanh toán lương cho giáo viên, nhân viên nhà trường theo quy định Nhà nước để giữ chân họ. Nhiều trường chỉ chấp nhận phụ cấp một phần cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch. Không ít cơ sở tư thục không đủ khả năng chi trả lương cho nhân viên nên cắt giảm nhân sự đến mức tối thiểu. Nhiều cơ sở mầm non tư thục vừa thành lập đã phải ngừng hoạt động khi không chịu nổi ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19.
Chủ một cơ sở mầm non ở quận Đống Đa, Hà Nội tâm tư: “Cơ sở của tôi vừa mở trước Tết Nguyên đán không lâu. Vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu hết hơn 400 triệu đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, lương giáo viên và nhiều khoản chi phí khác. Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng thương hiệu, học sinh còn rất ít. Bây giờ lại gặp phải đợt dịch bệnh này nên càng lao đao hơn. Tôi đã thanh lý hết đồ dùng, thiết bị dạy học bởi không có thêm tiền để duy trì nữa”.
Trong nỗi khó khăn chung của các cơ sở mầm non tư thục, chị Hạnh V (chủ cơ sở mầm non ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Chúng tôi đã tính toán, suy nghĩ rất nhiều về chế độ cho giáo viên trong thời gian nghỉ phòng dịch. Nhà trường hoàn toàn không có khoản thu nào trong khi vẫn phải trả 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng, tiền lương của hơn 20 nhân viên, giáo viên. Khó khăn trăm bề. Tuy nhiên, nếu không có chế độ, chính sách phù hợp, giáo viên bỏ trường, cơ sở sẽ gặp khó khăn khi hoạt động trở lại. Tìm giáo viên không khó nhưng tìm người thực sự tâm huyết với trường, với nghề thì chẳng dễ chút nào”.
Ở hoàn cảnh đó, chị V cho biết đã họp bàn lại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề xuất của giáo viên. “Sau khi thống nhất, đề nghị được chia sẻ trong lúc khó khăn, giáo viên đồng ý với việc được hỗ trợ mức lương tối thiểu trong thời gian nghỉ. Dù cả nhà trường và giáo viên cùng khó khăn nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng. Hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống sớm trở lại bình thường”, chị V chia sẻ.