“Giặt là sáng” và ý tưởng khởi nghiệp của cô gái khiếm thính
Vượt qua thử thách
Chị Thúy sinh ra không khiếm thính bẩm sinh mà khi lớn lên đi học thì khả năng nghe cứ dần kém đi. “Khi mang thai mình, mẹ đã dùng kháng sinh rồi dần dần, mẹ điếc hẳn còn mình thì…”, chị Thúy bỏ lửng câu nói.
Cũng vì muốn cho mẹ không bị lạc hậu thông tin nên chị Thúy quyết tâm trở thành một nhà báo và vào trường Cao đẳng Truyền hình, chuyên ngành báo chí. Tốt nghiệp ra trường, chị Thúy lập gia đình rồi sinh con nhưng sức nghe ngày càng kém nên phải chuyển nghề vì mưu sinh cuộc sống.
Năm 2019, chị Thúy quyết định nghỉ công việc chăm sóc khách hàng để trải nghiệm công việc giặt là. Chị được trao cơ hội làm chủ một cửa hàng giặt là, không có lương cứng, tự tìm kiếm và xây dựng lòng tin từ khách hàng, tự trả lương cho mình bằng doanh thu.
Chị Lương Thị Kiều Thúy (giữa) cùng các nhân viên trong tiệm giặt là (Ảnh tư liệu) |
"Thu nhập không mấy khả quan khi chỉ làm một mình khiến mình nhận ra rằng, công việc phù hợp với khả năng nhưng lại không có hệ thống để duy trì ra lợi nhuận. Mình xin vào làm cho một cơ sở giặt là lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua nhượng quyền kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm”, chị Thúy chia sẻ.
Từng có kinh nghiệm giặt là và sự tỉ mỉ, khéo léo trong quá trình làm việc trước đó, chị Thúy được tin tưởng giao nhiệm vụ làm lễ tân, vận hành máy kiêm nhiệm quản lý nhân viên giao nhận cho cửa hàng. Ở vị trí này chị được đào tạo vận hành giặt là và có nhiều kinh nghiệm từ công việc. Tại đây, chị xây dựng bộ tài liệu giảng dạy về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hoá một bộ máy tại cửa hàng để công việc diễn ra trơn tru nhất cho người Điếc.
Nỗ lực vượt khó
Là người năng động, nhanh nhạy và không chịu ngồi yên, chị Thúy luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động của và vì người khuyết tật. Trong đó, chị được tham gia khóa tập huấn về khởi nghiệp kinh doanh trong dự án “Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật” do Quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam tổ chức.
Tiệm giặt là của người điếc (Ảnh tư liệu) |
Sau khi trải nghiệm, tích lũy kiến thức, chị Thúy quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh, tạo cơ hội việc làm cho người Điếc và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững. Năm 2020, ý tưởng kinh doanh “Giặt là sáng” vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én vàng” cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải “Best performance” trong chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội (Youth co:lab) do UNDP tổ chức.
Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với chị Thúy khi chị liên danh cùng chuỗi nhượng quyền “Giặt ký” đầu tư với số vốn 101 triệu đồng và ra đời “Tiệm giặt là của người Điếc” đầu tiên tại ven bờ sông Sét, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Toàn bộ nhân viên trong cửa hàng đều là người Điếc, quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế đặc biệt để vận hành trơn tru. Đặc biệt, hoạt động của cửa hàng được hỗ trợ đắc lực bằng nhiều ứng dụng công nghệ như Zalo, Facebook… Chính điều này khiến những khiếm khuyết vốn có của người Điếc không còn là trở ngại.
Một góc nhỏ đáng yêu trong tiệm |
Tuy nhiên, tiệm giặt vừa hoạt động được 2 tháng thì dịch bùng phát trở lại. “Trong suốt năm 2021, chúng mình đã đối mặt với các đợt giãn cách xã hội, đồng thời khó khăn chồng chất do mùa hè không phải là “mùa giặt”. Như các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn đó, chúng mình đóng băng dịch vụ, tiếp nhận lượng khách hàng ít ỏi, có ngày không có doanh thu”, chị Thúy cho biết.
Chị Thúy và các nhân viên đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để “sống sót”. Khó khăn, dịch bệnh trở thành phép thử cho bản lĩnh của chị Thúy. Chị vẫn gắng duy trì được việc làm cho các nhân viên, mở cửa đón thêm khách hàng mới. Luôn lạc quan để học hỏi là điều chị đã làm trong suốt thời gian đó, đồng thời tham gia các khoá học để phát triển kinh doanh.
Khi thành phố kết thúc giãn cách tiệm giặt đón thêm một máy giặt, cái kệ mới, thay đổi việc sắp xếp vị trí, sửa chữa vòi nước lỏng lẻo rồi tập huấn cho các cô gái người điếc, hệ thống lại quy trình 5S để làm việc chuyên nghiệp hơn. Giờ đây, chị đã sẵn sàng đón thêm người khuyết tật đến cơ sở thứ hai.
“Kế hoạch tương lai của chúng mình là xây dựng mô hình “nhượng quyền kinh doanh xã hội” trên quy mô toàn quốc. Một mô hình vô cùng mới với người khuyết tật nhưng với chúng mình đó là đam mê được cống hiến giá trị khác biệt của mình”, chị Thúy tâm sự.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được chị Lương Thị Kiều Thúy là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức. |