“Gieo hạt mầm sống xanh” trong trường học từ những điều giản dị
Sử dụng túi hand-made này để trải nghiệm đi chợ, tạo thói quen bảo vệ môi trường từ nhỏ
Bài liên quan
Bảo vệ môi trường - giáo dục học sinh từ những việc làm nhỏ nhất
Người trẻ Việt dọn rác bắt đầu từ ý thức
Chống rác thải nhựa: Cơ hội lớn cho startup
Bảo vệ môi trường từ những dự án khởi nghiệp sáng tạo
Học sinh Tiểu học Kim Liên dành 5 phút mỗi ngày hành động vì môi trường
“Tết trồng cây” ngay trong trường học
Trên facebook cá nhân, chị Thảo Trà khoe một chậu cây nhỏ xinh chuẩn bị cho con gái yêu mang tới trường ngày đầu năm học.
Chị viết: “Đó là khi trường của con gái yêu cầu mỗi bạn mang 1 chậu cây tới trường để hàng ngày các bạn ấy sẽ tự tay chăm sóc cho cây... Vậy là bà mẹ ấy hì hụi đi xin vỏ dừa, đất, sẵn cây cối quanh ban công. Vậy là sau 20 phút, em bé đã có chậu cây để mai mang tới lớp. Khi con có một bà mẹ mà thời gian dành cho con thì mạnh như lũ mùa xả nước thì đảm bảo sau này các sản phẩm con mang tới lớp tuy có ngô nghê, xộc xệch, không giống ai, nhưng là sản phẩm từ tình cảm, từ tâm tư và 100% handmade…”
Bé Tracy con chị Thảo Trà mới 4 tuổi và đang học một trường mầm non tại Hà Nội. Việc mang cây tới trường chăm sóc hàng ngày chỉ là một trong những hoạt động mà thầy cô giúp các con nuôi dưỡng thói quen sống xanh, gần gũi với thiên nhiên.
Tại trường tiểu học Tuệ Đức (TP HCM), ngày khai giảng, phụ huynh và học sinh náo nức trồng những cái cây bé xinh trong khuôn viên của trường. Những công chúa, hoàng tử bé đeo bao tay mặt sáng bừng rạng rỡ đặt những mầm xanh vào ô đất vừa cùng phụ huynh chuẩn bị. Đâu đó là cảnh một người cha dặn con: "Con nhớ cái cây này hai cha con mình trồng, hàng ngày con ra đây tưới nó nhé".
Không chỉ ở trường bé Tracy, trường Tuệ Đức mà ở rất nhiều ngôi trường khác từ Nam chí Bắc, mùa khai giảng năm học 2019-2020 cũng biến thành mùa “Tết trồng cây”. Những mầm xanh khắp khuôn viên trường được các con chăm tưới hàng ngày sẽ giúp làm nảy mầm hạt ý thức sống xanh trong các con từ rất nhỏ.
Và nói như đại diện của trường Tuệ Đức thì việc giáo dục đồng hành với việc tử tế. Học sinh cần được các thầy cô hướng dẫn tử tế với bản thân, với người khác và tử tế với thiên nhiên.
Thay đổi thói quen nhỏ cho một tương lai xanh
Giờ Mỹ thuật tại trường tiểu học Đức Giang (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) biến thành một giờ sinh hoạt về chủ đề bảo vệ môi trường. Các em được thầy cô hướng dẫn vẽ và viết các khẩu hiệu, tranh cổ động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đến thầy cô cũng phải ngạc nhiên vì các ý tưởng sáng tạo hay và lạ đến từ các em.
Không chỉ lồng bài học môi trường vào giờ Mỹ thuật, học sinh nơi đây còn được Tổng phụ trách đội cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp hướng dẫn thu gom và phân loại rác thải. Bìa bọc vở nilon cũng được thay bằng bìa bọc giấy và cốc uống nước của học sinh sử dụng là cốc inox.
Thầy Nguyễn Văn Thắng, Hiệu trưởng của trường, cho biết: Không chỉ hướng tới đối tượng học sinh, trường còn kêu gọi phụ huynh không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi nilon… trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua các em, nhà trường gửi đến phụ huynh các thông tin hữu ích như có thể thay túi nilon bằng làn hay giỏ xách, thay thế hộp xốp/nhựa dùng một lần bằng các hộp cứng có thể tái sử dụng… Tất cả là để thay đổi những thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn ở cả học sinh và phụ huynh, hạn chế thải rác nhựa ra môi trường, trả lại môi trường trong lành cho chúng ta và cho cả các thế hệ mai sau.
Tại một ngôi trường nội trú khác ở Hà Nội, để chuẩn bị cho học sinh có trải nghiệm đi chợ, từ ngày hôm trước, các học sinh lớp 2 đã đem những chiếc áo cũ không còn sử đụng trên lớp và khâu vá thành những chiếc túi xinh xắn. Ngày hôm sau, cùng với thầy cô, các em mang những chiếc túi này ra chợ mua thực phẩm thay túi nilon. Ngoài việc tính toán tiền nong khi mua nguyên liệu làm đồ ăn, các em cũng không quên nhắc bác bán hàng về việc không dùng túi nilon mà cho thực phẩm vào các chiếc túi hand-made tự làm trước đó.
Chị Huyền, một phụ huynh có con đang học ở trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội cho biết: Ở nhà, chị không để ý dạy con các vấn đề về bảo vệ môi trường. Thế nên bé Hà Vi mang những điều được học ở trường về dạy ngược lại cho mẹ. Bé Hà Vi, 10 tuổi hỏi mẹ là tại sao nhà mình không phân loại rác, sao mẹ lại dùng nhiều túi nilon thế… Bé cũng thường xuyên hướng dẫn em gái bỏ rác đúng nơi quy định, dùng điện nước tiết kiệm.
Nhờ những câu hỏi, nhắc nhở của cô con gái nhỏ, chị Huyền cũng thay đổi được khá nhiều thói quen trong gia đình như nhà chị đã có 2 thùng rác phân loại rác hữu cơ và rác khó phân hủy. Các loại pin được để riêng để mang tới nơi thu gom tiêu hủy riêng tránh đầu độc môi trường nước. Chị Huyền cũng đã sắm nguyên bộ hộp và làn đi chợ riêng để hạn chế sử dụng túi nilon hơn trước.
Không đơn thuần chỉ là hưởng ứng phong trào “hạn chế rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, những trải nghiệm bảo vệ thực tế trong nhà trường đã giúp các em hình thành thói quen bảo vệ môi trường tự nhiên như cuộc sống hàng ngày vẫn vậy.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019