Hà Nội chăm lo các gia đình có công bằng những việc làm thiết thực
Hà Nội khen thưởng 211 tập thể, 351 cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch Hà Nội hỗ trợ 2,4 triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 |
Không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố hiện quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với gần 800.000 người có công, trong đó có gần 86.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác chăm lo người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền luôn quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) |
Nhiều trường hợp người có công và thân nhân của người có công không còn người thân chăm sóc đã được thành phố đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Theo ông Vũ Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên 43 người có công, thuộc đối tượng thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ. Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê nhưng đều có điểm chung là phải gánh chịu đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Để người có công an yên vui sống, trung tâm bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, luôn quan tâm, chăm sóc bằng tất cả ân tình và trách nhiệm.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đóng tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho gần 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Góp phần bảo đảm đời sống cho người có công và thân nhân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội vừa có quyết định hỗ trợ đặc thù cho gần 73.000 người có công với số tiền gần 73 tỷ đồng (1 triệu đồng/đối tượng). Để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người thụ hưởng, các địa phương đã xây dựng các phương án chi hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Mạnh, nhiều trường hợp người có công tuổi cao, đi lại khó khăn, nên quận đã tiến hành chi trả cho người thụ hưởng theo nhóm nhỏ hoặc trao tại nhà.
Tương tự, tại huyện Hoài Đức, các lực lượng chức năng đã mang nguồn lực hỗ trợ đến tận nhà các gia đình người có công.
Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Viết Nhương (ở thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Toàn thành phố đang tập trung phòng, chống dịch nhưng vẫn dành sự quan tâm đến người có công. Đây là nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp, thành phố còn triển khai các chính sách khác nhằm bảo đảm đời sống cho người có công như ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm cho thành viên gia đình người có công; Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công...
Tổ chức tri ân, chăm lo người có công phù hợp với bối cảnh dịch bệnh
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 5 năm gần đây (2016 - 2020), thành phố đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với gần 203.200 lượt người có công.
Toàn thành phố vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 203 tỷ đồng, tặng 28.916 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 33,3 tỷ đồng, tu sửa 741 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 440 tỷ đồng. Cùng với việc nâng cao mức sống, vấn đề khác mà người có công và thân nhân đặc biệt quan tâm là giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ chưa biết tên” cũng đã được các cơ quan chức năng của thành phố quan tâm triển khai.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương thăm và tặng quà ông Phùng Bá Đam (thương binh hạng ¾) tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ |
Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công được thành phố chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tổ chức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Riêng trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về việc tặng quà tới các đối tượng chính sách là người có công, cơ sở cách mạng với tổng số đối tượng được tặng quà hơn 3.700 người và số kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Theo đó, thành phố dành mức quà tặng 1 triệu đồng/suất bằng tiền mặt gửi tới người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng); Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 (tiền khởi nghĩa); Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.
Trường hợp khác được nhận mức quà 1 triệu đồng là người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; Người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” (nếu người đứng tên trong Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” đã mất, thì đại diện vợ, chồng hoặc con được nhận quà).
Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà tập thể và cá nhân tiêu biểu tại các địa bàn có cơ sở cách mạng là quận Hà Đông và các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa. Các hoạt động thăm hỏi tri ân người có công đang được tổ chức ở các địa phương với hình thức phù hợp điều kiện thực tiễn, đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, trong thời gian giãn cách xã hội, tất cả các trung tâm có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công và thân nhân trên địa bàn thành phố đều có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cùng ăn, ở, sinh hoạt với đối tượng. Với người có công, ngoài chế độ thường xuyên, mỗi người được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Trong mọi hoàn cảnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn coi việc chăm lo đời sống cho người có công là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.