Hà Nội đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển giáo dục, đào tạo
Xây dựng Hà Nội là trung tâm tiêu biểu cả nước về giáo dục chất lượng cao Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực bứt phá |
Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị. Tham dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy; Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội |
Báo cáo tham luận tại điểm cầu UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, năm học 2023 - 2024, quy mô giáo dục Hà Nội tăng 39 trường và tăng 48.000 học sinh. Đến thời điểm này, Hà Nội có quy mô giáo dục rất lớn với 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.
Thành phố Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư và phát triển cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tỷ lệ chi hằng năm từ ngân sách đạt 20%. Bên cạnh đó, thành phố ban hành nghị quyết chuyên đề đặc thù để xây dựng, sửa chữa, cải tạo các trường học với kinh phí 30.000 tỷ đồng cho 653 trường. Đến nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt gần 80%.
Thành phố đã triển khai thí điểm trường học tiên tiến hiện đại có nhiều cấp học với diện tích từ 5ha trở lên; thí điểm ban hành giá dịch vụ giáo dục làm cơ sở chuyển từ giao dự toán sang cơ chế đặt hàng để thực hiện lộ trình tự chủ đối với các trường học.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai mô hình “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quận, huyện, thị xã, các nhà trường; góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành.
Nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung triển khai mạnh mẽ. Hà Nội cũng đã thực hiện học bạ số với cấp tiểu học, đến nay đạt tỷ lệ gần 100%.
Hình thức tuyển sinh trực tuyến tiếp tục được được triển khai, với tỷ lệ 100% ở cấp trung học phổ thông, các cấp học còn lại đạt trên 80%.
Đặc biệt, năm học vừa qua, thành phố đã chỉ đạo việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến và cũng đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung này.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, Hà Nội có quy mô giáo dục hằng năm tiếp tục tăng, so với yêu cầu nhiệm vụ và so với biên chế thì còn thiếu giáo viên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các bộ rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là cơ cấu về các môn học, một số môn học đặc thù để phù hợp với công tác giảng dạy hiện nay ở các địa phương và phù hợp với yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT làm rõ hơn trách nhiệm của các địa phương đối với công tác quản lý Nhà nước với các mô hình giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 120 trường đại học, cao đẳng, hơn 1 triệu sinh viên, ngoài ra còn có các cơ sở giáo dục của nước ngoài.
Liên quan đến việc thực hiện Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đang tích cực để cụ thể hóa các nội dung về phát triển giáo dục, đào tạo và có các cơ chế, chính sách đặc thù, Hà Nội mong muốn các Bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn Hà Nội triển khai nội dung này…
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố thực hiện lộ trình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học.