Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021
Theo dự báo thời tiết, thiên tai năm 2021 trên phạm vi toàn quốc tiếp tục cực đoan, khó lường... Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra... Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”...
Các địa phương cần đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2021 |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tập trung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị; Triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”...
Bên cạnh đó, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình...
Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để toàn thể nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đơn vị; tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng làm công tác này để đáp ứng yêu cầu đề ra...
Trước đó, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, thành phố đã cho phép các chủ đầu tư thực hiện 17 dự án xử lý sự cố theo hình thức cấp bách. Tuy nhiên, đến nay có tới 9/17 dự án mới đang trong quá trình chọn nhà thầu và hoàn thiện thủ tục thỏa thuận phương án thi công với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mang tính lâu dài là nhân tố quyết định trong công tác ứng phó với thiên tai, khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan, khốc liệt. Trước mắt, để giảm nỗi lo mất an toàn trong mùa mưa bão năm 2021, ưu tiên hàng đầu, cấp bách là tập trung nguồn lực xử lý sự cố đê điều, sạt lở bờ sông; chủ động lập phương án bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai.