Hà Nội tập trung nâng cấp hệ thống đê kè để phòng chống thiên tai
Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài
Toàn thành phố Hà Nội hiện có 626,513km đê được phân cấp. Trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt; gần 250km đê cấp I, còn lại là đê cấp II, III. IV, V. ngoài ra còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km (chưa được phân cấp).
Công tác bảo đảm an toàn cho các tuyến đê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Dọc các tuyến đê hiện có 162 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn. 364 điếm canh đê, 279 giếng giảm áp cùng 74 điểm kho bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão đã được xây dựng dọc các tuyến đê để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra…
Khảo sát mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, các tuyến đê cơ bản bảo đảm mặt cắt ngang thiết kế. Bên cạnh đó, gần 89km cây tre chắn sóng cũng đã được trồng ven đê, phát huy tác dụng khi mực nước sông lên cao, chắn sóng tốt khi có lũ cao.
Xử lý sự cố sạt lở bờ sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) |
Ngoài tre chắn sóng, các kè bảo vệ hiện ổn định, bảo đảm chống lũ năm 2021. Hiện, một số kè đang được tích cực triển khai thi công như: Kè Sơn Đà, Minh Quang - Khánh Thượng, kè Chu Minh (huyện Ba Vì); kè Đông Ngàn tương ứng K2+700 - K3+600 đê tả Đuống (huyện Đông Anh)...
Tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội), công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng đã hoàn thành đem lại niềm vui cho bà con Nhân dân. Bà Hoàng Thị Sáu (thôn Chu Châu, xã Minh Châu) phấn khởi nói: “Trước đây, khu vực này thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ khiến hơn 50ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị cuốn theo dòng nước, 45 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng... Từ khi có dự án kè chống sạt lở, người dân không còn lo bị lũ cuốn trôi nhà đất, ruộng vườn như trước nữa”.
Không riêng Minh Châu, người dân các xã nằm dọc bờ các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm... cũng rất vui mừng khi được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình phòng, chống lũ kết hợp làm đường giao thông...
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng phòng chống thiên tai
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã đầu tư 4.786 tỷ đồng để cứng hóa 193km mặt đê; Khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa 99km thân đê; Tu sửa, nâng cấp và xây mới 92km kè bờ sông; Xây dựng mới 4 cống qua đê...
Nhiều tuyến đê, như: Vân Cốc (đoạn qua các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng), tả Hồng (đoạn huyện Đông Anh), tả Đuống, hữu Đuống (đoạn thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm)... đã được thành phố đầu tư kiên cố không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hà Nội tập trung nâng cấp hệ thống đê kè để phòng chống thiên tai |
Cùng với việc đầu tư hệ thống đê chống lũ, Hà Nội đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống phòng, chống úng ngập, hạn hán, bảo vệ sản xuất nông nghiệp như các trạm bơm: Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Hạ Dục (huyện Chương Mỹ), Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), Ngoại Độ (huyện Ứng Hòa)...
Thực tế, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai thời gian qua không tuân theo quy luật, luôn tiềm ẩn sự khó lường. Vì vậy, phòng, chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, việc tiếp tục dành nguồn lực thích đáng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai cần được đặt ra với yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Hiện tại, với các công trình đang được triển khai, xét tính cấp bách của yêu cầu phòng, chống thiên tai, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình để sớm đưa vào sử dụng ngay trong mùa mưa bão 2021.
Ngoài ra, bên cạnh các tuyến đê từ cấp III đến đặc biệt đoạn đi qua thành phố Hà Nội đã đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế, thì nhiệm vụ cần kíp nhất là tiếp tục đầu tư xây dựng đáp ứng cao trình chống lũ đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bối trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tham mưu với UBND thành phố để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao trình chống lũ cho hệ thống đê điều này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân địa phương.
Về lâu dài, nhiệm vụ bao trùm là trong mọi hoàn cảnh luôn phải bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai. Trong đó, nòng cốt là có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống đê điều, thủy lợi. Muốn vậy, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ công trình đê, kè, trạm bơm, cống qua đê…
Cùng với đó, phải thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng (nếu có) và xử lý nghiêm vi phạm công trình phòng, chống thiên tai. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm “4 tại chỗ”… Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện đúng các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.