Hà Nội: Điểm chuẩn thi tuyển sinh vào lớp 10 dự kiến tăng
Ba Đình: 1 thí sinh khó thở, chóng mặt được bố trí phòng thi riêng 38 thí sinh vắng thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Theo đó, toàn thành phố sẽ thành lập một ban chấm thi, một ban làm phách. Ban chấm thi được thành lập theo quyết định của Sở GD&ĐT Hà Nội, dự kiến sẽ có 2335 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi.
Cán bộ chấm thi được huy động bao gồm 50% là giáo viên THCS và 50% là giáo viên THPT. Năm nay, do bài thi Ngoại ngữ và Lịch sử thi hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm nên việc chấm thi 2 môn này sẽ được tiến hành trên máy.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2021 - 2022 |
Dự kiến chậm nhất ngày 29/6, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ hoàn tất công tác chấm thi; tiến hành ghép điểm xét tuyển, in phiếu kết quả cho từng thí sinh, cấp phiếu báo kết quả thi cho các phòng GD&ĐT, chậm nhất ngày 30/6 công bố kết quả thi.
Cũng trong ngày 30/6 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn của từng trường THPT công lập (hệ chuyên và không chuyên). Như vậy, năm nay Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn ngay sau khi thí sinh biết điểm thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội quy định điểm xét tuyển là căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên kết quả 4 bài thi các môn: Ngữ văn (hệ số 2), Toán (hệ số 2), Ngoại ngữ, Lịch sử và điểm ưu tiên (nếu có). Điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2020 bởi đề thi năm nay được đánh giá nhẹ nhàng hơn do thời gian thi rút ngắn.
Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi Toán năm nay giảm bớt một số ý trong các câu so với cấu trúc đề thi năm trước và các câu hỏi đều không quá phức tạp. Những phần khó để phân hóa mọi năm thường là câu cuối bài hình và bài 5, nhưng năm nay phần này cũng không quá khó.
Với môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng do đề thi an toàn, quen thuộc, bám sát ngữ liệu trong SGK và học sinh được ôn luyện kỹ, không có yếu tố bất ngờ nên học sinh học chăm chỉ sẽ không khó để đạt mức 7 điểm, phổ điểm sẽ nhỉnh hơn năm trước.
Với môn Tiếng Anh, năm nay thời gian làm bài giảm từ 60 phút xuống còn 45 phút. Số câu hỏi cũng giảm xuống còn 30 câu để phù hợp với thời gian làm bài. Nội dung đề thi được đánh giá là nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 9 với mức độ “nhẹ nhàng”, phổ điểm sẽ là 7 - 8 điểm; số điểm 9, 10 có thể nhiều hơn các năm trước.
Môn Lịch sử được đánh giá là nhẹ nhàng nhất trong số 4 môn thi. Nhiều giáo viên chỉ ra rằng đề thi vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng, không có câu hỏi dạng so sánh hoặc khái quát tổng hợp hay liên chuyên đề.
Theo văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.
Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.