Hà Nội điều chỉnh thời gian làm bài thi lớp 10: Giảm áp lực, bảo đảm an toàn
Điều chỉnh lịch và thời gian thi vào lớp 10: Học sinh yên tâm, sẵn sàng cho kỳ thi Vì quyền lợi, sức khỏe và đảm bảo sự công bằng cho học sinh |
Hà Nội điều chỉnh thời gian làm bài thi lớp 10: Giảm áp lực, bảo đảm an toàn cho học sinh |
Để hiểu rõ hơn về nội dung điều chỉnh này, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội.
- Thưa ông, xin ông thông tin rõ hơn về những điều chỉnh liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Hà Nội sắp diễn ra?
- Trên căn cứ diễn biến thực tế của dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi, UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập không chuyên vào ngày 12 và 13/6/2021 (thay vì ngày 10 và 11/6/2021 như kế hoạch). Số lượng môn thi vẫn giữ nguyên là bốn môn, song thời gian làm bài của các môn được điều chỉnh giảm. Theo kế hoạch đã công bố, các môn ngữ văn và toán có thời gian làm bài 120 phút/môn, thì nay giảm còn 90 phút/môn; môn ngoại ngữ và lịch sử có thời gian làm bài là 60 phút, nay giảm còn 45 phút/môn.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng quyết định sắp xếp các môn thi vào hai buổi sáng (mỗi buổi thi hai môn), thay cho ba buổi thi như trước đây. Cụ thể, sáng 12-6, học sinh làm bài thi môn Ngữ văn, Ngoại ngữ; sáng 13/6, học sinh thi Toán, Lịch sử. Lịch thi vào các lớp chuyên, trường chuyên bắt đầu từ sáng 14/6.
- Học sinh dự thi năm nay có nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giảm thời gian làm bài của các môn thi liệu có gây khó khăn cho các em, và tại sao cần có sự điều chỉnh này, thưa ông?
- Quyết định điều chỉnh thời gian làm bài thi các môn là một trong các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch Covid-19. Đây là năm học đặc biệt của học sinh thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giai đoạn cuối năm các nhà trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến, song các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành chương trình năm học 2020-2021 đúng quy định, bảo đảm chất lượng. Học sinh và phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng, đề thi các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được xây dựng theo tinh thần “học gì thi nấy” và có giảm tải.
Như vậy, việc điều chỉnh thời gian làm bài thi các môn là một trong các giải pháp nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, học sinh dự tuyển vào lớp 10 trường công lập không chuyên chỉ phải đến điểm thi vào 2 buổi sáng. Thời gian làm bài được rút ngắn lại từ 15 đến 30 phút (tuỳ từng môn) cũng giảm áp lực, bảo đảm an toàn hơn khi các em phải thực hiện quy định phòng, chống dịch, không được sử dụng điều hoà. Thời gian của các buổi chiều sẽ được sử dụng để lực lượng phục vụ điểm thi làm công tác vệ sinh, khử khuẩn chu đáo, bảo đảm an toàn để đón học sinh dự thi vào sáng hôm sau.
Việc bố trí một buổi sáng có hai môn thi cũng giúp cho phụ huynh học sinh cũng không phải di chuyển đưa đón con nhiều lần, có thời gian quay về cơ quan làm việc, giảm tình trạng tập trung đông người ở ngoài khu vực thi.
- Ông vừa nhắc đến đề thi, đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh học sinh lúc này. Ông có thể thông tin rõ hơn về cấu trúc đề thi không ạ?
Cấu trúc và hình thức đề thi không thay đổi so với Kế hoạch 839 của UBND Thành phố; mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/08/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 03/9/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo; do giảm thời gian làm bài cho nên số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn Ngoại ngữ (không chuyên) và môn Lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi (giảm bớt 10 câu/đề thi so với Kế hoạch 839), giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi, nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề thi để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu về công tác tuyển sinh của các trường.
- Vậy còn với những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (như F0, F1, F2...) thì phương án xét tuyển được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị phân loại các thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm: Nhóm 1 là thí sinh thuộc diện F0, F1; nhóm 2 là thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhóm 3 là các thí sinh còn lại, được phép đến trường thi.
Theo đó, thí sinh nhóm 1 được tuyển thẳng vào trường công lập mà thí sinh đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển phù hợp với nơi cư trú của thí sinh; thí sinh nhóm 2 sẽ áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm trung học cơ sở + Điểm trung bình môn Toán + Điểm trung bình môn Ngữ văn + Điểm trung bình môn Ngoại ngữ + Điểm trung bình môn Lịch sử + Điểm ưu tiên. Sở sẽ có hướng dẫn chi tiết về nội dung này.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, có thể thấy rằng, kỳ thi năm nay đặt ra nhiều yêu cầu để bảo đảm an toàn cho học sinh và những người tham gia. Vậy công tác tổ chức kỳ thi đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố năm học 2021-2022, giao Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thường trực. Ban Chỉ đạo đã họp, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên với yêu cầu tập trung cao độ mọi nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bảo đảm chất lượng và an toàn cao nhất cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi trong điều kiện có dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố cũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch chi tiết, có kịch bản ứng phó với mọi diễn biến của dịch.
Để đạt mục tiêu đề ra, công tác tổ chức kỳ thi đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc giữa các lực lượng và cả học sinh, phụ huynh học sinh. Theo đó, ở trong Điểm thi, trách nhiệm thuộc về cán bộ, giáo viên, học sinh ngành Giáo dục; còn ở ngoài Điểm thi là trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh của các quận, huyện, thị xã. Với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn về mọi mặt trong điều kiện có dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố đề nghị phụ huynh học sinh có con tham dự kỳ thi cùng đồng thuận, ủng hộ với chủ trương chung, đồng thời chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho các con, cho gia đình và cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!