Hà Nội giao ban về công tác phòng cháy, giải quyết đơn thư khiếu nại
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Hội nghị thảo luận ba nội dung: Quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới; Báo cáo tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".
Quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 25 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp...
Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.
Các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì hội nghị |
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC và CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, kiến thức, kỹ năng còn hạn chế.
Từ tình hình trên, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC và CNCH…, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; An toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Thứ hai, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP về công tác PCCC và CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH.
Thứ ba, đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Ý thức tự trang bị hệ thống PCCC và CHCN trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là các thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm đến từng hộ gia đình, cá nhân...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong quán triệt Chỉ thị số 25-CT/TU |
Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.
Thứ năm, thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác PCCC. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…).
Thứ bảy, thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; Xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện, thị xã và Sở, ngành TP đã báo cáo các kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong thời gian tới.