Hà Nội: Huy động các giải pháp tối ưu đối phó với “điểm đen” úng ngập
Đường phố nội thành Hà Nội bị ngập úng nghiêm trọng vào mùa mưa bão 2019
Bài liên quan
Hà Nội xây dựng 3 phương án phòng chống úng ngập mùa mưa bão 2020
Hà Nội thảo luận về thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành năm 2020
Nhiều “điểm đen” ngập úng chưa được giải quyết
Tình trạng ngập úng diễn ra ở cả nội và ngoại thành Hà Nội trong nhiều năm nay trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi mùa mưa đến. Tình trạng này xảy ra không chỉ tại các con phố cũ mà tại các tuyến đường mới mở, tình trạng cốt nền cao hơn nhiều so với nhà dân cũng dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ.
Mùa mưa lũ năm 2019, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, tình trạng ngập diễn ra ở nhiều tuyến đường ngay khu vực trung tâm Hà Nội như phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… thậm chí một số nơi, nước ngập sâu lên tới 30- 40cm như ở phố Hàng Bún, Nguyễn Trường Tộ, Tông Đản.
Trên địa bàn các quận, huyện phía Tây, Tây Nam Hà Nội từ vành đai 3 trở ra, nhất là quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, nhiều tuyến đường và khu đô thị mới cứ mưa to là bị ngập. Trong đó, phải kể đến các khu đô thị Geleximco, Nam An Khánh, Văn Phú… Điều đáng nói, tình trạng tiêu thoát nước ngập khu vực này rất chậm, thậm chí có nơi đến cả tuần.
Thông tin về tình hình thoát nước mùa mưa, các dự án thoát nước, phòng chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội, ông Lê Vũ Quảng Sương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thoát nước cho biết, mùa mưa năm 2020, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 11 điểm úng ngập với cường độ mưa trong khoảng 50 - 100mm/2 giờ.
Đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 15 điểm úng ngập tồn tại từ lâu, trong năm 2019 cơ bản đã giải quyết được 4 điểm là Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Thanh Đàm và Trường Chinh. Hiện thành phố còn 11 điểm úng ngập cố hữu và sau khi các dự án hoàn thành sẽ xóa được 4 điểm, còn 7 trọng điểm úng ngập chưa có dự án giải quyết.
Bên cạnh 11 điểm đen về ngập úng chưa được giải quyết từ năm 2019, Hà Nội còn tồn tại các điểm ngập cục bộ tại các ngõ, ngách khu dân cư tại 12 quận nội thành, đại lộ Thăng Long, đặc biệt là tình trạng ngập úng diễn ra nghiêm trọng tại ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5 ,6 km9+656, nút giao An Khánh.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo hút bùn tại sông Lừ - đoạn chảy qua quận Hoàng Mai |
Tình trạng ngập úng trên là do hệ thống mương nông nghiệp tiêu thoát nước cho hầm chui chưa được duy tu, hệ thống thoát nước hiện trạng hoạt động kém do chưa đồng bộ, nhiều vị trí, khu vực chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Chủ động nhân lực, vật lực ở mức tối đa
Đỉnh điểm mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần, để tránh tình trạng ngập úng cục bộ tại các tuyến đường diễn ra như các năm về trước, các đơn vị, cơ quan, ban, ngành thành phố đã chủ động đưa các các kế hoạch, giải pháp phòng, chống ngập úng.
Thành phố Hà Nội đã cho nâng cấp Trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước (của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) nhằm dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước, chủ động điều hành giải quyết thoát nước khi mưa.
Bên cạnh công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có, các đơn vị triển khai ứng trực khi mưa; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút, thiết bị cơ giới... để bơm nước chống úng ngập cục bộ tại một số điểm trũng trên các trục đường chính.
Để chủ động phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành trong mùa mưa bão năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cũng đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó đối với 3 kịch bản cụ thể dựa trên lượng mưa và thời gian mưa.
Với 3 kịch bản là lượng mưa dưới 50mm trong 1 ngày; mưa từ 100 đến 200mm trong 3 ngày; mưa từ 200 đến 300mm (hoặc lớn hơn) trong 3 ngày, Sở NN&PTNT đưa ra các giải pháp chung là thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông, theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa một cách linh hoạt và chủ động để đảm bảo nguồn nước tưới và kịp thời chống úng khi mưa bão.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thoát nước Lê Vũ Quảng Sương, giải pháp lâu dài cho các “điểm đen” úng ngập, lệch quy hoạch là xây dựng các công trình hồ chứa hoặc bơm cưỡng bức để chuyển nước sang các hồ chứa hoặc cống thoát nước khác trong khu vực.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang dần từng bước hoàn thành các bước chuẩn bị, sẵn sàng cho mùa mưa năm 2020. Đây được coi là một mùa mưa được dự báo sẽ có diễn biến hết sức phức tạp.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, bắt đầu từ ngày 15/4/2020, toàn công ty vận hành theo cơ chế mùa mưa với quy định nghiêm ngặt đã được ban hành. Đến nay, toàn bộ mực nước đệm trên hệ thống thoát nước đã được vận hành hạ thấp đạt cao độ theo quy định, các trạm bơm, đập điều tiết, các trục chính thoát nước, hệ thống hồ điều hòa và máy móc thiết bị, nhân lực dự phòng sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ.
Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước. Lượng mưa từ 50mm đến 100mm/2 giờ dự kiến tồn tại 11 trọng điểm úng ngập. Với từng điểm, công ty cũng đã có phương án ứng phó.
Với các “điểm đen” về úng ngập vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để, thì biện pháp tối ưu được thành phố đưa ra vẫn là chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực ở mức tối đa, sẵn sàng “giải cứu” những điểm úng ngập.
Với điểm úng ngập trên đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, nút giao An Khánh), do chưa được đầu tư hệ thống thoát nước nên công ty đã lên phương án đắp đập bằng bao tải cát, lắp bơm di động; phân công lực lượng ứng trực vớt rác; đồng thời phối hợp vận hành trạm bơm, mương thoát nước của các khu đô thị lân cận.