Hà Nội không tăng học phí, hỗ trợ học sinh khó khăn: Chủ trương nhân văn, người nghèo bớt lo
Các đại biểu HĐND TP xem xét, thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp |
Giữ nguyên mức trần học phí
Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: UBND Thành phố đề xuất mức học phí năm học 2021-2022 được giữ nguyên như năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực.
Cụ thể, với nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông: Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 217.000 đồng/tháng; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn 95.000 đồng/tháng; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi 24.000 đồng/tháng.
Với trẻ em mầm non 5 tuổi, trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở: Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng; học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn 75.000 đồng/tháng; sọc sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, theo quy định học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, vì vậy Thành phố không quy định thu học phí đối với học sinh này. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng miễn giảm học phí và miễn giảm học phí cho học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, UBND Thành phố đề xuất bổ sung quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục tiểu học công lập bằng với mức học phí theo quy định đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh phổ thông cấp trung học cơ sở.
Về quy định mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến, theo quy định của Trung ương, UBND Thành phố đề xuất mức thu học phí bằng 75% mức thu học phí của cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành (gồm cả cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư).
Về quy định thời gian thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện bất khả kháng, UBND Thành phố đề xuất: Đối với các tháng có thời gian dạy học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường) không đủ cả tháng, việc xác định thời gian thu học phí được tính như sau: Trường họp thời gian dạy học thực tế trong tháng dưới 14 ngày thì thực hiện thu 1/2 tháng; trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu đủ tháng (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật). Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm học.
Hỗ trợ bằng 50% mức học phí hằng tháng
Việc hỗ trợ 50% mức học phí sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh học sinh (ảnh minh hoạ) |
Nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, cùng với việc giữ nguyên mức học phí như năm học 2020-2021, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, hỗ trợ bằng 50% mức học phí hằng tháng của năm học 2021-2022 do HĐND thành phố quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng từng vùng, từng cấp học sau khi đã thực hiện chính sách giảm học phí theo quy định tại nghị định 81 của Chính phủ và các văn bản quy định khác có liên quan. Đối tượng được hưởng chế độ miễn phí theo quy định sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại nghị quyết này.
Đối tượng được áp dụng là trẻ em mầm non và học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố; học viên đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố; cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài), các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Về thời gian hỗ trợ, theo thời gian học sinh học thực tế (bao gồm thời gian học theo hình thức trực tiếp, trực tuyến), tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022.
Tổng kinh phí thực hiện chính sách là 892 tỉ đồng (năm 2021 là 396 tỉ đồng và năm 2022 là 496 tỉ đồng) từ ngân sách thành phố cấp năm 2021 và từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2021.
Việc Hà Nội hỗ trợ 50% mức học phí cho học sinh trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này là vô cùng cần thiết, đã nhận được sự ủng hộ cao của các phụ huynh trên địa bàn TP.
Chị Nguyễn Mai Huyền ở phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội có 2 con đang học lớp 8 và lớp 2 bày tỏ: " Việc thành phố quyết định không tăng mà giữ nguyên mức học phí như năm học trước và hỗ trợ giảm 50% mức học phí cho học sinh là rất thiết thực. Bởi thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, với chúng tôi, giảm được khoản chi phí nào đều rất tốt.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội |
Hai Nghị quyết được ban hành đúng quy định, kịp thời, nhân văn
Việc UBND TP trình HĐND TP ban hành hai Nghị quyết đảm bảo thực hiện theo đúng quy định; Phù hợp, rất kiwpj thời với bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số người thắc mắc về việc vì sao ngành Giáo dục Hà Nội đã đề xuất miễn giảm học phí năm học này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lại có thêm đề xuất giữ nguyên mức học phí; Hà Nội có thật giảm 50% học phí không?
Trước thắc mắc trên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội giải thích, đây là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt và khẳng định Hà Nội vẫn chi ngân sách gần 900 tỉ đồng cho việc hỗ trợ 50% mức thu học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐTxuất phát từ bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và hiện đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của Nhân dân, nhằm giảm bớt chi phí tài chính đối với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, HĐND, UBND TP đã thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022.
Mức hỗ trợ được áp dụng bằng 50% mức học phí hàng tháng của năm học 2021-2022 do HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế (trực tiếp, trực tuyến) của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học sau khi đã thực hiện chính sách giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và các văn bản quy định khác có liên quan.
Quyết định này căn cứ vào Điều 17 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về không thu học phí có thời hạn: “Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng".
Bên cạnh đó, căn cứ Điểm h khoản 9 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, HĐND cấp tỉnh có quyền hạn: “Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương”.
Tuy nhiên, để có cơ sở triển khai thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2021-2022.
Hàng năm, UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội theo từng năm học.
Theo đó, UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022 căn cứ vào Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Điều này xuất phát từ quy định tại Điều 9 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về khung học phí năm học 2021-2022: “Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương”.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã đồng ý giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực.
Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định việc UBND TP trình HĐND TP ban hành hai Nghị quyết đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, phụ huynh, học sinh Thủ đô được hưởng chính sách hỗ trợ giảm học phí, góp phần giảm bớt chi phí trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện nay, tất cả các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố đều chưa thu học phí năm học mới dù học sinh đã học được 3 tuần. Điều này cũng nhằm giảm bớt lo lắng về gánh nặng chi phí đầu năm học cho phụ huynh học sinh trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.