Hà Nội: Nối thành công bàn tay bị đứt rời
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BVĐHYHN) đã nối thành công bàn tay bị đứt gần lìa trong tai nạn cấp cứu lúc nửa đêm. Người bệnh có thêm một địa chỉ đáng tin cậy trong việc tái tạo lại các bộ phận cơ thể bị đứt rời.
“Tôi vẫn nghĩ mình đang ở trong mơ”
Anh Phạm Văn N., 33 tuổi, ngụ tại thôn Tân Lâm, xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vẫn không tin là mình còn bàn tay phải sau tai nạn ập tới ngày 30/5/2015. Chia sẻ với tôi sau 16 ngày xảy ra tai nạn anh nói: Em vẫn nghĩ mình đang ở trong mơ, sau cú chém kinh hoàng đó em đã nghĩ là mình bị mất bàn tay phải này rồi. Vậy mà giờ đây em lại có thể cử động được nó, thật là kỳ diệu”. Với khuôn mặt còn xanh sau hai lần phẫu thuật và bị mất quá nhiều máu, tưởng chừng không giữ được sinh mạng, anh N. kể lại: Lúc đó là khoảng 16 giờ 30 phút ngày 30/5/2015, khi đang ngồi ở nhà cùng vợ và hai con trai, thì bất ngờ hung thủ xông vào nhà dùng dao chém vào người, phát đầu anh đỡ được nhưng đến phát thứ hai thì con dao đã phạt gần đứt toàn bộ bàn tay phải, chỉ còn dính lại tí da. Máu phun ra dữ dội khiến anh bị ướt sũng cả bộ quần áo. Anh N. thét lên: Mất tay rồi và lấy bàn tay trái đỡ lấy bàn tay phải đang lủng lẳng.
Sau khi vơ vội khăn mặt vợ đưa quấn vào tay phải bị đứt gần lìa, anh N. được cháu chở xe máy đến bệnh viện huyện. Tại đây các bác sĩ băng bó, cầm máu vết thương cho và khuyên anh nên đến bệnh viện tuyến cao hơn.
Lúc 20 giờ 50 phút cùng ngày anh N. đến BVĐHYHN trong tình trạng mất nhiều máu, da xanh, niêm mạc nhợt, huyết áp tụt 60/40mm, tại chỗ vết thương gần đứt rời cổ tay phải (chỉ còn vạt da bò trong cổ tay), chảy nhiều máu. Sau khi khám các bác sĩ chẩn đoán anh N. bị shock chấn thương, vết thương đứt gần rời bàn tay phải và được chỉ định hồi sức chống shock, chuyển mổ cấp cứu ngay để nối lại bàn tay đứt rời.
Bàn tay của anh N. trước mổ.
Bàn tay của anh N. sau mổ 2 tuần. (ảnh do các bác sĩ khoa Ngoại BVĐHYHN cung cấp)
Trắng đêm vì người bệnh
TS.BS.Nguyễn Văn Hoạt, người trực tiếp điều trị cho anh N. cho biết: bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng mất quá nhiều máu, huyết áp tụt quá thấp đe dọa tính mạng. Vì vậy trước hết chúng tôi phải chống shock mất máu để bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm, sau đó ngay lập tức chúng tôi tiến hành mổ cấp cứu nối bàn tay bị đứt gần lìa. Vì trong những trường hợp các bộ phận cơ thể bị đứt rời phải tiến hành khâu nối càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu). Sau 6 giờ “vàng” này cơ hội thành công rất khó vì các bộ phận ở phần chi đứt rời thiếu máu nuôi sẽ bị nhiễm khuẩn, hoại tử.
Kíp phẫu thuật gồm ba bác sĩ chính: GS.TS. Nguyễn Hữu Tú - chuyên ngành Gây mê hồi sức, TS.BS. Nguyễn Roãn Tuất - Chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình, TS.BS. Nguyễn Văn Hoạt - chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình cùng hàng chục y tá, kỹ thuật viên gây mê, phụ mổ... Ekip đã tiến hành phẫu thuật suốt đêm (từ 22h45 ngày 30/5 đến 5h sáng ngày 31/5). Các bác sĩ trong ekip phẫu thuật cho biết: để nối thành công, phục hồi được chức năng bàn tay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những vị trí khác vì vùng cổ bàn tay gồm rất nhiều thành phần xương khớp, gân gấp, duỗi, động mạch, tĩnh mạch và các dây thần kinh... việc khâu nối đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế và chính xác vì vậy thời gian phẫu thuật thường kéo dài.
Khi chúng tôi đến thăm anh N. là ngày thứ 16 sau mổ toàn trạng của anh khá lên nhiều; bàn tay phải của anh hồng ấm, anh có thể cử động co, duỗi nhẹ nhàng được các ngón tay. Bác sĩ cho biết siêu âm mạch máu bàn tay cho kết quả tưới máu tốt, trong 1, 2 ngày nữa bác sĩ sẽ cho anh xuất viện.
Việc ghép thành công bàn tay bị đứt rời một lần nữa khẳng định bước phát triển theo hướng chuyên sâu của BVĐHYHN.
Theo Mai Hương/SK&ĐS
TS.BS. Nguyễn Văn Hoạt khuyến cáo khi bị tai nạn đứt lìa các bộ phận cơ thể cần:
Sơ cấp cứu tốt: Băng cầm máu (hoặc garo chi bên bị đứt rời nếu sau khi băng vết thương vẫn chảy máu) để tránh mất máu, tránh shock cho người bệnh (lưu ý nới garo 1 tiếng 1 lần trên đường vận chuyển).
Bảo quản bộ phận đứt rời đúng cách: cho các bộ phận này vào một túi nilon sạch, rồi buộc kín lại và đặt toàn bộ túi nilon này vào một túi nilon khác (hoặc thùng) có chứa nước đá để bảo quản, tránh để các bộ phận chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá gây bỏng lạnh. Không nên dùng bất cứ dụng cụ gì để kẹp mạch máu lại sẽ khiến chỗ tổn thương khó hồi phục ...
Người bệnh cần được đưa ngay tới đúng các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ các phương tiện kỹ thuật để nối các bộ phận cơ thể như BV Việt Ðức, BVTƯQÐ 108, Viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, BVTƯ Huế, BVÐHYHN... Tất cả cần được thực hiện trong 6 giờ “vàng” để có cơ hội nối lại các chi thể bị đứt rời.