Hà Nội phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn
Ảnh minh hoạ
Bài liên quan
Bệnh liên cầu lợn "ngấp ghé" trong dịp Tết, thực phẩm cần tránh xa
Tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
Tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống nông dân
Lập đoàn thanh, kiểm tra những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội
Theo đó, ứng dụng chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn là một công cụ thông tin toàn diện về thị trường hàng hóa, bao gồm mua và bán; cung cấp các thông tin về mặt hàng, nguồn hàng, nguồn cung nông sản thực phẩm; các quy trình sản xuất chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và phân phối sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và chế biến; kiểm dịch, kiểm định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; tư vấn dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng...
Ứng dụng chợ thương mại điện tử còn phải bảo đảm là kênh thông tin uy tín để cộng đồng người tiêu dùng tương tác với nhà sản xuất, nhà phân phối và cơ quan chức năng về thị trường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.
Bắt đầu từ năm 2019, người tiêu dùng có thêm một địa chỉ để lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với hình thức mua sắm khá linh hoạt như trên trang website chonhaminh.gov.vn (tiếng Việt) và www.myhomemarket.gov.vn (tiếng Anh), ứng dụng trên nhiều nền tảng thiết bị điện tử khác nhau nhằm truy cập đầy đủ các tính năng của chợ; tích hợp chợ với website của một số cơ quan quản lý liên quan để người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực hiện kiểm chứng thông tin khi cần thiết.
Chợ thương mại điện tử cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc theo sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, được kiểm soát bởi cơ quan chức năng và cộng đồng người tiêu dùng. Hàng hóa thương mại được phép kinh doanh trên chợ là sản phẩm từ các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, từ các mô hình sản xuất đã được chứng nhận (VietGAP, HACCP…), đã được thẩm định đủ các điều kiện để tham gia chợ.
Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu thường xuyên cập nhật, cải tiến các tính năng của chợ và các phần mềm ứng dụng phục vụ người kinh doanh và người tiêu dùng thực hiện giao dịch thuận lợi; đẩy manh nghiên cứu, phát triển các giải pháp phần mềm điện tử, công nghệ thông tin nhằm từng bước cải tiến các tính năng thuận tiện cho người dùng, bảo mật thông tin, nâng cao giá trị cho chợ thương mại điện tử.
Các phần mềm dự kiến gồm: phần mềm ứng dụng cho nhà quản lý; phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp tham gia; phần mềm ứng dụng cho cộng đồng người tiêu dùng; phần mềm ứng dụng app mobile thương mại điện tử cho người tiêu dùng; một số công cụ tương tác cộng đồng nhằm chọn lọc ý kiến, giải pháp xây dựng, đóng góp cho trang website chợ thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng và vận hành hệ thống tiêu chí đánh giá, chấm điểm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ trên chợ thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp cải tiến, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng và người tiêu dùng nhận biết được giá trị, uy tín của doanh nghiệp tham gia chợ; xây dựng các công cụ tương tác cộng đồng nhằm chọn lọc những ý kiến, giải pháp xây dựng, đóng góp, phê bình cho trang website về chợ thương mại điện tử, các phần mềm liên quan để cải tiến, hoàn thiện.
Ngoài ra, tại kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội cũng đề ra hàng loạt công việc sẽ được thực hiện thời gian tới để kiểm soát chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm kinh doanh trên chợ thương mại điện tử; tuyên truyền, truyền thông về chợ thương mại điện tử; phát triển giao dịch trên chợ thương mại điện tử...
Kế hoạch phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn nhằm phát triển hệ thống chợ thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, áp dụng các tiện ích phần mềm thích hợp thanh toán điện tử, thuận tiện cho người tiêu dùng sử dụng rộng rãi các loại hình thương mại điện tử; hình thành, phát triển mạng lưới vận chuyển, giao nhận, thanh toán hàng hóa theo phương thức thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội, từng bước nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.
Mục tiêu của kế hoạch hướng đến năm 2019 sẽ triển khai mỗi quận từ 3-5 điểm giới thiệu chợ thương mại điện tử. Đến năm 2020 sẽ mở rộng phát triển tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; đảm bảo 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố được giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, hỗ trợ thực hiện các giao dịch, thanh toán điện tử trên chợ thương mại điện tử. Đồng thời, phấn đấu đến cuối 2019 đạt tối thiểu 10.000 lượt đăng ký thành viên và đến cuối 2020 có 30.000 lượt đăng ký thành viên.