Hà Nội: Quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả
Riêng tháng 11, xử lý hơn 3000 vụ hàng giả, hàng lậu
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên nạn buôn lậu nhiều loại hàng hóa cũng diễn ra phức tạp. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn tại các địa phương, bắt giữ nhiều kho chứa lượng lớn hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.
Đáng chú ý, hàng giả xảy ra ở ngày càng nhiều mặt hàng khác nhau, nếu như trước đây chỉ tập trung ở mỹ phẩm, đồ gia dụng... thì hiện nay đã xuất hiện ở cả xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội), trong tháng 11, các lực lượng chức năng thành phố kiểm tra 3.289 vụ; Xử lý 3.087 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 241 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 91 vụ, gian lận thương mại 2.755 vụ; khởi tố 5 vụ với 5 đối tượng; tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 564,955 tỷ đồng; tiền xử phạt hành chính 191,823 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 372,018 tỷ đồng; tiền bán hàng 1,114 tỷ đồng.
Điển hình, trong tháng 11, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện cơ sở kinh doanh 385 hộp viên sủi an thần có dấu hiệu giả mạo về tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối sản phẩm.
Tổ công tác Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh phát hiện lô viên sủi an thần nghi làm giả |
Trước đó, vào cuối tháng 10, lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện và tiêu hủy hơn 3 tấn chân gà bẩn chuẩn bị đem đi tiêu thụ tại điểm công nghiệp Cầu Gáo - Đan Phượng. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết số chân gà này đã có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn được thu gom để cung cấp cho các cơ sở chế biến chân gà rút xương trên địa bàn Hà Nội.
Trên thực tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế gần đây đang có chiều hướng gia tăng do tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao trở lại. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như: Mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hình thức chuyển phát, khai báo hàng hóa là quà tặng, quà biếu...
Theo Phó trưởng Ban thường trực BCĐ 389 Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào dịp cuối năm có xu hướng diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu lưu thông trên địa bàn thành phố chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như lợi dụng việc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nếu không bị kiểm tra thì không xuất hóa đơn, nếu bị kiểm tra thì mới xuất hóa đơn để đối phó.
Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… rồi gửi qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến cuối năm có thể diễn biến phức tạp, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Từ đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của lực lượng chức năng là rất cần thiết.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Để tăng cường quản lý, kiểm soát hàng giả, hàng lậu dịp cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4543/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 thành phố).
Dịp cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả |
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có 51 thành viên, trong đó: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền là Trưởng ban; Phó Trưởng ban Thường trực là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên; Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Mai Công Quyền là các Phó Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố có trách nhiệm tham mưu giúp UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Xây dựng kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng thời kỳ, hằng năm phù hợp với tình hình cụ thể của thành phố; nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND thành phố các giải pháp, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; yêu cầu các cơ quan, lực lượng chức năng cung cấp thông tin về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; tài liệu vụ việc vi phạm khi cần thiết.
Ngoài ra, thực hiện công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố trong cả nước trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã do Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã làm Trưởng ban với thành phần phù hợp, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã đặt tại trụ sở Đội Quản lý thị trường thuộc địa bàn.