Hà Nội: Quyết liệt giải quyết ô nhiễm môi trường ở bãi rác Nam Sơn
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn |
Những chỉ đạo kịp thời
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhiều năm qua thành phố luôn đặc biệt quan tâm tới cuộc sống của người dân Sóc Sơn nằm trong vùng bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn. Chính vì thế, sau khi nhận được những kiến nghị của người dân Sóc Sơn, thành phố đã tiến hành xem xét giải quyết, đảm bảo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc không khí khu vực xung quanh và nước thải sau xử lý tại bãi rác. Theo đó, kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh các năm 2017, 2018, 2019 và Quý I năm 2020 đều cho thấy, thông số quan trắc nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, khối lượng rác thải đưa về xử lý nhiều gây tăng khí thải, nước thải và ảnh hưởng môi trường.
Do vậy, để khắc phục nội dung trên, thành phố đã cho thử nghiệm và triển khai thành công việc phủ bề mặt bãi chôn lấp bằng công nghệ Posi - Shell; phủ bạt HDPE các ô chứa nước rỉ rác nhằm hạn chế nước mưa và giảm thiểu phát tán mùi ra ngoài môi trường; tăng cường giám sát công tác vận chuyển rác và thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên các trục đường dẫn vào khu xử lý đã giảm thiểu được việc phát tán các chất ô nhiễm ra ngoài, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực xung quanh.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã quyết định di dời dời khoảng 1.100 hộ dân của 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (Sóc Sơn) nằm trong phạm vi ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác đến khu ở mới.
Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện UBND huyện Sóc Sơn cho biết đang gặp phải một số khó khăn, kiến nghị của người dân như: Vị trí tái định cư; thu hồi diện tích đất ở và đất nông nghiệp còn lại bị cắt xén; bồi thường hỗ trợ đối với đất ao liền kề; bồi thường diện tích xây dựng trên đất không được công nhận là đất ở… UBND huyện Sóc Sơn cũng đã đề nghị các Sở ngành liên quan, UBND thành phố xem xét tháo gỡ.
Liên quan đến vấn đề này, tối ngày 13/7 người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ và thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn đã tập trung tại hai cổng vào tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ngăn xe chở rác. Sau khi sự việc này diễn ra, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã có mặt tại hiện trường để tuyên truyền, vận động người dân không chặn xe vào bãi rác.
Ngày 15/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn hỏa tốc để giải quyết bức xúc của người dân. Công văn do Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng ký đề nghị UBND huyện Sóc Sơn giải quyết ngay các vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cho người dân quanh khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, thường được gọi là bãi rác Nam Sơn. Địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động, thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và chấp hành.
Các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn huyện Sóc Sơn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, kịp thời báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng giao Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo công an địa phương, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng hỗ trợ, bảo vệ việc vận chuyển rác thải vào bãi rác Nam Sơn.
Bãi rác Nam Sơn trước nguy cơ quá tải |
Tổ chức đối thoại giải quyết trực tiếp từng vấn đề
Mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã tổ chức đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn.
Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cho biết, họ chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, nhất là việc áp mức giá bồi thường đất ở quá thấp so với giá mua đất tái định cư. Cụ thể, trong hơn 2.000 hộ dân đang sống trong khu vực chỉ giới 0 – 500m từ bãi rác Nam Sơn có rất nhiều hộ gia đình có diện tích đất ở hơn 1.000m2 được cấp sổ đỏ đầy đủ. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành và Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội đã quy định, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp đất ở có vườn, ao tại các xã trung du trên địa bàn thành phố sẽ không vượt quá 400m2. Phần diện tích còn lại không được tính là đất ở nên tài sản và công trình trên đất sẽ không được bồi thường 100% như đất ở.
Người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ đề nghị thành phố công nhận diện tích đất ở theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Như vậy, tất cả tài sản và công trình trên đất sẽ hợp pháp và được bồi thường 100%.
Tháo gỡ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố sẽ đền bù đúng với diện tích đất ở được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với những hộ có diện tích đất ở vượt quá hạn mức 400m2 theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, người dân cũng phải chủ động phối hợp với chính quyền để được bồi thường đủ 400m2 đất ở. Phần diện tích còn lại sẽ được bồi thường 500.000 đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ để tất cả các công trình và tài sản trên diện tích đất đều được bồi thường 100%.
Đối với vấn đề tái định cư, người dân xã Hồng Kỳ đã phản đối phương án ban đầu của huyện và xã vì nơi ở mới chỉ cách bãi rác khoảng 1km nhưng lại nằm trên hướng gió từ bãi rác thổi ra. Thay vào đó, bà con muốn được tái định cư ở một chỗ khác trong xã, cách bãi rác khoảng 3 - 4km.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề nghị này của người dân và yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ này vì đây là một dự án đặc thù, không được phép chậm trễ.
Ngay sau buổi đối thoại, người dân đã tháo dỡ lều bạt, thu dọn các vật dụng ngăn cản, các xe chở rác đã đưa rác vào bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh tái diễn tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, cử cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm, năng lực hỗ trợ UBND huyện Sóc Sơn trong công tác GPMB. Từ nay đến cuối năm 2020, UBND huyện Sóc Sơn phải coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, để tập trung GPMB, bảo đảm hoàn thành bồi thường, hỗ trợ đúng yêu cầu của thành phố. Đồng thời, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình thực hiện không đúng chính sách, nhũng nhiễu người dân trong quá trình GPMB. Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp, thực hiện đúng các chính sách của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |