Hà Nội quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước
TP đầu tiên có nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược) được ban hành vào năm 2016. Sau hơn 8 năm triển khai, Chiến lược đã cho thấy, những tác động chính sách đã tạo nên sự chuyển động tích cực của các nghành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trong quá trình triển khai Chiến lược, mục tiêu của Việt Nam là định hình được các trung tâm công nghiệp văn hóa theo hướng kết nối toàn cầu thông qua xây dựng 3 trung tâm công nghiệp văn hóa là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Ba năm sau, vào ngày 30/10/2019, Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới UCCN.
Đặc biệt, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành được coi là bước đi chiến lược, nhằm đưa nguồn lực văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn trong việc khai thác và phát huy giá trị văn hóa. Thực tế, trong suốt 5 năm qua, TP đã kiên trì theo đuổi mục tiêu phát huy nguồn lực nội sinh văn hóa, đưa Thủ đô trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.
Nghị quyết này đề ra mục tiêu phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, bao gồm cả quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường.
![]() |
Hà Nội đang thể hiện quyết tâm trở thành "ngọn hải đăng" dẫn dắt phát triển công nghiệp văn hóa |
Những không gian sáng tạo mới hình thành, Lễ hội thiết kế sáng tạo 3 năm liên tiếp được tổ chức thành công và tạo dấu ấn trong cộng đồng sáng tạo; những sản phẩm du lịch mới ra mắt với những tour đêm “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”; “Tinh hoa đạo học”; “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”… thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế; những chương trình nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn như Anh trai vượt ngàn chông gai, tour "Born Pink in Hanoi" của Black Pink...; hàng loạt di tích được “khoác áo mới” và phát huy giá trị…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Hà Nội luôn mang trong mình sứ mệnh tiên phong - không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia mà còn là nơi hội tụ tinh hoa, khởi phát đổi mới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa.
Thành công ban đầu của Hà Nội đã tạo tiền đề để Chính phủ ban hành Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO vào đầu năm 2023. Đề án đã tạo điều kiện cho các thành phố của Việt Nam có được sự chuẩn bị tốt cho các lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa khi gia nhập mạng lưới UCCN.
Ngày 31/10/2023, Việt Nam có thêm 2 thành phố gia nhập mạng lưới. Đó là Đà Lạt - thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An - thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trong mạng lưới UCCN là căn cứ để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Dẫn dắt và kiến tạo mô hình mới
Hai nghị quyết đang được thành phố chuẩn bị thông qua - Trung tâm công nghiệp văn hóa và Khu phát triển thương mại - văn hóa - là những bước đi táo bạo, thể hiện tư duy thể chế hiện đại và năng lực “biến luật thành cuộc sống”. Đây không chỉ là sự cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) mà còn là minh chứng cho quyết tâm của Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội, lần đầu tiên, một địa phương chủ động thiết kế mô hình quản lý văn hóa theo hướng liên kết hệ sinh thái: Từ quản trị Nhà nước đến sáng tạo cộng đồng; từ không gian khởi nghiệp đến tuyến phố di sản, từ chính sách đầu tư công đến cơ chế trao quyền cho người dân.
“Mỗi nghị quyết, mỗi cơ chế đặc thù đang được kiến tạo đều mang trong mình tư tưởng rất rõ: Văn hóa không phải là thứ để giữ trong lồng kính mà là dòng chảy sống; là tiềm lực để đổi mới và phát triển bền vững”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
![]() |
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội sẽ trở thành điểm hẹn quen thuộc, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thủ đô |
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ngoài ra, tiếp tục xây dựng 3 trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm Hà Nội - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời củng cố và mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN từ 3 thành phố Hà Nội, Đà Lạt, Hội An năm 2023 lên 5-7 thành phố năm 2029.
Với quyết tâm trở thành “ngọn hải đăng” dẫn dắt công nghiệp văn hóa cả nước phát triển, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hà Nội đang chứng minh rằng: Nếu biết cách tổ chức, biết cách khai thác văn hóa, thì đó sẽ là nguồn lực không bao giờ cạn - một thứ “vốn mềm” có khả năng thúc đẩy “sức mạnh cứng” của toàn bộ hệ thống phát triển.
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hai nghị quyết mở đường cho hành trình sáng tạo của Thủ đô

Tu bổ một số di tích trong khu phố cổ Hà Nội

Phát huy giá trị văn hóa dân gian trong biểu diễn nhạc nhẹ

Mẫu biểu trưng chính thức phục vụ tuyên truyền dịp Quốc khánh 2/9

"Thoải mộng" của Cao Minh Tiến đến với người yêu thời trang Hà Nội

Gần 100 vũ công biểu diễn tại vũ kịch "Sắc màu tuổi thơ Vol.6"

VCCA tổ chức triển lãm “Tái chất hoàn sinh - Vật chất tái sinh - Materia Retana”

Cầu nối để nhiều du khách quốc tế biết đến di sản của Hà Nội

Vùng 5 Hải quân trưng bày ảnh “Tự hào người chiến sĩ Hải quân”
