Hà Nội sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước để chỉ rõ trách nhiệm các bên
Chiều 22/10, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, xung quanh việc tổ chức khắc phục sự cố cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Do nguồn nước mặt sông Đà có diện tích trải dài nên việc quản lý, bảo vệ an ninh nguồn nước gặp nhiều khó khăn.
"Hồ Đầm Bài có diện tích lớn lên đến 16 km2, bảo vệ rất khó. Bên cạnh đó, hồ còn sử dụng cho cả tưới tiêu", ông Dục nói.
Khẳng định, an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng, là nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, ông Lê Văn Dục cho biết, thành phố sẽ tăng cường bảo vệ nguồn nước, trong đó nước sông Đà có nhiều thành phần phải bảo vệ nhất. Vùng bảo vệ là từ nguồn nước mặt, đến kênh dẫn, đến hồ Đầm Bài, cũng như suối Bằng… Đặc biệt phải có sự tham gia của chính quyền địa phương.
Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, sau sự kiện này, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra để rà soát các điểm thông tin còn yếu, còn hở và quy rõ trách nhiệm của chính quyền, nhà máy sản xuất, đơn vị truyền dẫn, đơn vị phân phối…
Ông Lê Văn Dục cũng cho biết Nhà máy nước sông Đà được đưa vào hoạt động 11 năm, nên việc các hệ thống, công nghệ xử lý bị lỗi thời là không tránh khỏi. Trong đó, công nghệ của nhà máy vẫn chưa có hệ thống cảnh báo tự động, cũng như hệ thống xử lý Nano.
“Có thể bổ sung công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất nước sạch ở Nhà máy nước sạch sông Đà. Chúng tôi sẽ kiểm tra, thống nhất quá trình thay thế công nghệ một cách tối đa nhất ở Nhà máy nước sạch sông Đà”, ông Dục nói, đồng thời cho biết, sẽ có cơ chế quy định rõ hơn bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để báo về các Sở, ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh", ông Dục cho hay.
Về quy trình xét nghiệm các mẫu nước, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc xét nghiệm nước được thực hiện theo thông tư 41 năm 2018 của Bô Y tế.
Quy chuẩn về nước sạch đang dùng là quy chuẩn Việt Nam 01 năm 2009, quy định 109 chỉ tiêu, chia làm ba mức độ giám sát: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A (biến động nhiều); 17 chỉ tiêu mức độ B (biến động ít hơn) và 78 chỉ tiêu mức độ C (rất ít khi biến động).
Với chỉ tiêu A, đơn vị cung cấp nước sạch phải nội kiểm (tự kiểm tra) mỗi tuần một lần, ngành y tế hai tháng kiểm tra một lần. Chỉ tiêu B ngành y tế kiểm tra sáu tháng/lần, chỉ tiêu C hai năm/lần.
Trước khi đưa vào sử dụng thì các nhà máy nước bắt buộc phải công bố cả ba chỉ tiêu an toàn và chịu trách nhiệm về công bố.
Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của nhà máy phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày một số chỉ tiêu mùi vị, độ đục... và xử lý hoá chất. Tất cả quy trình này đều được lập biên bản và lưu trữ.