Hà Nội sẽ thu hồi những dự án xử lý rác chậm tiến độ
Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết tại buổi giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND thành phố với UBND thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, diễn ra sáng nay (22/4).
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên chủ trì buổi giám sát chuyên đề |
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) có tổng diện tích theo quy hoạch khoảng 280ha được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, diện tích 83,5ha gồm: 10 ô chôn lấp vận hành khai thác từ năm 1999; Hiện đang đổ rác tại các ô hợp nhất và hồ sinh học, khối lượng rác đã tiếp nhận khoảng 14,8 triệu tấn.
Giai đoạn 2, diện tích 73,73ha gồm: Khu phía Nam 36,26ha (có 8 ô chôn lấp đưa vào hoạt động từ năm 2016, hiện đã tiếp nhận khoảng 8,2 triệu tấn rác); Khu phía Bắc 37,47ha chưa hoàn thành, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.
Giai đoạn 3, hiện đang thực hiện đến bước lập nhiệm vụ quy hoạch.
Thời gian qua, thành phố cũng rất quan tâm thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực ảnh hưởng bởi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tổng hợp giai đoạn 2016-2022, ngân sách thành phố đã hỗ trợ 71 dự án thuộc các lĩnh vực: Giao thông, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, y tế, cấp thoát nước… với tổng kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, có 60 dự án đã hoàn thành được bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, khẳng định sự quan tâm của thành phố đối với người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân địa phương khu vực bị ảnh hưởng bởi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần sớm thúc đẩy các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các vùng theo quy hoạch chậm, kéo dài, hiện mới có 2 khu xử lý chất thải tập trung quy mô diện tích lớn đang hoạt động chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, dẫn đến quá tải về số lượng, gây lãng phí do cự ly vận chuyển xa và ảnh hưởng tới môi trường.
Nguyên nhân, chất lượng xây dựng quy hoạch chưa đáp ứng được xu hướng phát triển cũng như nhu cầu thực tế của người dân; Chưa cập nhật được khoa học công nghệ của thế giới; Quy định về đất đai, đầu tư thay đổi; Cơ chế giá dịch vụ chưa phù hợp với thị trường, khó khuyến khích nhà đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại buổi giám sát |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, thành phố đã có chỉ đạo cụ thể đối với một số nội dung để các Sở, ngành liên quan triển khai, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến môi trường tại huyện Sóc Sơn.
Với các dự án đã được cấp phép và cấp chủ trương đầu tư, thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở, ngành liên quan rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác và kiên quyết thu hồi đối với những dự án không triển khai, để bố trí cho các nhà đầu tư có đủ năng lực khác.
Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá trong thời gian qua, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là huyện Sóc Sơn và các chủ đầu tư đã tích cực triển khai các dự án trên địa bàn.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ. Trong đó, UBND thành phố bổ sung kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách, tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án;
Chủ đầu tư các dự án đang triển khai cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ của thành phố giao bảo đảm tiến độ; Các Sở, ngành khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn liên quan đến cơ chế, chính sách, tập trung triển khai các dự án an sinh, chú trọng phục vụ tốt nhu cầu của người dân, tránh bức xúc dẫn đến khiếu kiện, bảo đảm môi trường…