Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội và hoạt động đông người trong dịp Tết
Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đến 14 tỉnh, thành phố Học sinh Hà Nội tạm dừng đến trường từ ngày mai (4/5) |
Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động đông người không cần thiết (Ảnh minh họa) |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Không gây khó khăn cho người dân về quê ăn Tết
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung cao điểm triển khai các nhiệm vụ phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch; Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và đơn vị quản lý.
Các đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết.
Các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; Tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; Tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; Đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và thành phố để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Các đơn vị chủ động thực hiện phương án, kịch bản cấp độ cao; Phân công lực lượng, tổ chức diễn tập, ứng trực, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ; Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Kiên quyết kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Các quận, huyện, thị xã phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ |
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đối với người dân, tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; Chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; Khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã bám sát các nguyên tắc nêu tại Chỉ thị này, tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; Thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; Rà soát, thống kê, cập nhật kịp thời số liệu về công tác phòng, chống dịch để làm cơ sở phân tích, đánh giá chính xác tình hình, có giải pháp phù hợp, hiệu quả; Kiểm tra, đôn đốc, huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, di biến động dân cư, quản lý việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà; Phát huy hiệu quả phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19; Hoạt động tổ COVID-19 cộng đồng; Tăng cường các hình thức tiếp nhận, xử lý thông tin (tổng đài, nhóm Zalo, Facebook…); Huy động các lực lượng tham gia tổng đài tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ, phát thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà… đảm bảo kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, giúp người dân yên tâm điều trị.
Huy động đoàn viên, thanh niên tham gia các tổ hỗ trợ điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà
Sở Y tế tham mưu UBND thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó với biến chủng mới Omicron theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết; Phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội triển khai “ATM OXY”, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà |
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thuốc ứng trực 24/24 giờ; Có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, ô xy y tế) để tổ chức điều trị người bệnh COVID-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày Tết… Các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn các địa phương dừng tổ chức các loại hình lễ hội, các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, cơ quan báo, đài của thành phố, phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương tăng cường tuyên truyền mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan của biến chủng mới Omicron và các biện pháp, quy định phòng, chống dịch của Trung ương và thành phố...
Công an thành phố là đầu mối, chủ trì tăng cường triển khai lắp đặt thiết bị quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân gắn chip để kiểm soát người ra vào cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Công an TP tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; Hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông trong và sau Tết Nguyên đán; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tổ chức phương án diễn tập các tình huống phòng, chống dịch tại trường học trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Tiếp tục tham mưu UBND thành phố lộ trình, phương án để học sinh trở lại trường học trực tiếp đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp với chính quyền các cấp phát huy vai trò, cùng các lực lượng, tổ hỗ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà, tổ COVID-19 cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát, thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên Thủ đô; Huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia các tổ hỗ trợ điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà theo chỉ đạo, phân công của chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành Y tế; Tham gia hỗ trợ thực hiện nhập liệu trên quản lý người nhiễm COVID-19, thực hiện tốt chương trình ATM OXY; Phối hợp với Sở Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chỉ đạo, phân công Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội vận hành “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành”, giám sát, hỗ trợ người dân mắc COVID-19.