Hà Nội: Thu hồi đất 10 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 177,7ha
29 dự án chậm tiến độ với tổng diện tích 290,9 ha
Báo cáo giải trình về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, kết quả thực hiện đến nay đối với các dự án chậm tiện độ, chậm triển khai là 96 dự án với diện tích 290,9ha đất. Sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật đầu tư; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha đất, kiến nghị trình UBND TP thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất (đến nay, 10 dự án với tổng diện tích 177,7ha, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi đất; 19 dự án, UBND TP đang giao cho các sở, ngành TP làm rõ cơ sở pháp lý liên quan để xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật)
Với 60 dự án với tổng diện tích 95ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng (chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng). UBND TP đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền 209,346 tỷ đồng....
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông phát biểu giải trình |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, UBND TP đã và đang chỉ đạo các Sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn TP, do đó số lượng các dự án sẽ còn có biến động. Trên cơ sở hồ sơ, pháp lý có liên quan của từng dự án, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ngành và UBND cấp huyện công khai thông tin về các danh mục dự án để người dân biết, giám sát.
Đối với các ý kiến liên quan đến giải pháp, tổ chức thực hiện, UBND TP sẽ tiếp thu, sau khi HĐND TP thông qua Nghị quyết chuyên đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện từng khâu, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để giải quyết dứt điểm... Định kỳ, UBND TP có báo cáo với HĐND TP về kết quả, tiến độ thực hiện Nghị quyết cuả HĐND TP.
Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích
Giải trình làm rõ về Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 -2025 và các năm tiếp theo; Bổ sung Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và phân bổ vốn thuộc kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết: Tiếp thu ý kiến kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Nghị quyết của HĐND TP, ngay sau đây, UBND TP sẽ hoàn thiện và chính thức ban hành Kế hoạch để các đơn vị triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu giải trình |
Trong khi hoàn thiện Kế hoạch, UBND TP sẽ rà soát đảm bảo nguồn cân đối của ngân sách của cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách TP hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã đảm bảo thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của các huyện.
Căn cứ vào khả năng triển khai của các đơn vị, UBND TP tiếp tục xem xét, giao cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư một số công trình thuộc nhiệm vụ chi cấp TP...
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP sẽ thành lập Ban Chỉ đạo ngay trung tuần tháng 4/2022 để triển khai lập Kế hoạch chi tiết, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian; Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư phân công, phân nhiệm và triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, dự án cụ thể.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án cụ thể và các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Các Sở chuyên ngành, các đơn vị liên quan khi triển khai thực hiện, từng dự án phải rà soát kỹ, đánh giá thực trạng, sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, lộ trình đầu tư đảm bảo phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chuẩn của ngành, lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc rà soát, đánh giá thực trạng, kiểm định chất lượng công trình đang sử dụng để đánh giá đúng sự cần thiết đầu tư, đề xuất đầu tư xây dựng công trình mới...Đồng thời, các địa phương đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh đầu tư dàn trải lãng phí, thất thoát trong quá trình triển khai thực hiện; Chỉ được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư khi đáp ứng được các yêu cầu trên và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì theo dõi, phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ rà soát, đánh giá định kỳ 6 tháng, hàng năm, đảm bảo Kế hoạch được thực hiện hiệu quả, chất lượng.