Hà Nội triển khai hoạt động phục hồi chức năng năm 2023
Với mục tiêu tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (PHCN) đa chuyên ngành, đảm bảo cho mọi người được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ PHCN có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của mỗi người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, người khuyết tật, người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng cần trợ giúp xã hội được chăm sóc, cải thiện chức năng, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước.
Ảnh minh hoạ |
Ngành Y tế cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm: 100% bệnh viện đa khoa thành phố có khoa PHCN và trên 50% các bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa PHCN; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tối thiểu 50% danh mục kỹ thuật PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật;
100% bệnh viện huyện có khoa/tổ/đơn nguyên PHCN; 100% trạm y tế xã có nhân viên y tế được phân công phụ trách chương trình PHCN, được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN để cung cấp dịch vụ PHCN ban đầu; 100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…
Thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật PHCN, trong đó duy trì, phát triển và cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật PHCN để phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn và tại cộng đồng.
Ngoài ra, Sở Y tế tăng cường phát hiện, điều trị, PHCN, quản lý người khuyết tật tại trạm y tế xã; củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ PHCN, phát triển công nghệ PHCN của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, PHCN.
Đồng thời, Sở cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý chuyên môn PHCN, giám định bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, hội chẩn; Hoàn thiện các phần mềm quản lý bệnh viện và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đảm bảo bí mật thông tin người bệnh; Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các tuyến để hỗ trợ chăm sóc, PHCN theo dõi liên tục và lâu dài; Triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực PHCN, tăng cường nghiên cứu khoa học về cải tiến công nghệ sản xuất dụng cụ hỗ trợ PHCN và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp PHCN phù hợp với nhu cầu của người bệnh; Chủ động tích cực hợp tác với các viện, trường và các hội trong nghiên cứu, đào tạo để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác PHCN.
Mặt khác, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát, bao gồm: Cập nhật và hoàn thiện bộ công cụ thu thập thông tin, giám sát, kết hợp kiện toàn hệ thống thu thập thông tin báo cáo về quản lý sức khỏe người khuyết tật; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá triển khai các hoạt động PHCN tại các đơn vị trong ngành.
Song song với đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trên các phương thiện thông tin đại chúng các biện pháp dự phòng và PHCN cho người khuyết tật, đặc biệt là phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để mọi người biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những người khuyết tật được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như các dịch vụ khác của cộng đồng; Tổ chức các buổi nói chuyện và tư vấn về phòng ngừa khuyết tật, cách phát hiện sớm khuyết tật tại các cơ quan, tổ chức xã hội và tại cộng đồng, với sự hợp tác của các tổ chức xã hội trên địa bàn.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về PHCN, tham công Sở Y tế triển khai thực hiện các chỉ tiêu, hoạt động của chuyên khoa đầu ngành về PHCN trên địa bàn thành phố.