Hải Dương: Kho phế liệu nguy cơ cháy "tọa lạc" trong khu dân cư
TP Hải Dương: 24 bến, bãi không đủ điều kiện hoạt động Hải Dương: Cháy lớn tại công ty không hoạt động không phép Giả mạo hồ sơ, Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp HD bị cấm thầu |
Thời gian gần đây, người dân xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc (Hải Dương) phản ánh một xưởng thu mua, tập kết các phế liệu hoạt động trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
“Hàng ngày, xe ô tô chở phế liệu ra vào tấp nập… Trong xưởng, các phế liệu như nhựa, cao su chất thành đống. Nguy hiểm hơn là xưởng tái chế nằm sát nhà dân, lại chứa toàn đồ dễ cháy nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả khôn lường”, một người dân tại đây cho biết.
Kho phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nằm ngay trong khu dân cư trên địa bàn xã Thống Nhất (Huyện Gia Lộc, Hải Dương). |
Người dân này cho biết thêm: “Xưởng tập kết phế liệu ở đây hoạt động từ lâu rồi. Bên cạnh việc họ chứa phế liệu trong nhà xưởng, họ còn thường xuyên tập kết tràn ra hết cả đường đi lại, mùi rất khó chịu. Nhiều hôm trời mưa, nước qua rác rồi chảy ra xung quanh nữa”.
Ghi nhận thực tế, xưởng tái chế rác thải được xây dựng kiên cố bằng các cọc sắt, mái lợp tôn nằm sát đường giao thông. Trong xưởrng, phế liệu như nhựa, cao su… chất thành đống lên tận nóc. Nhiều công nhân đang bốc hàng lên xe tải để vận chuyển đi các nơi tiêu thụ
Để làm rõ thông tin hoạt động của xưởng trên, phóng viên đã liên hệ và làm việc với Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc (Hải Dương). Tại buổi làm việc, ông Phạm Đăng Xuyết, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết việc tồn tại xưởng thu mua, tập kết phế liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nằm trong khu dân cư là đúng.
Theo ông Phạm Đăng Xuyết, nhà xưởng tập kết phế liệu là của ông Nguyễn Văn Lực và được xây dựng trên đất 03. (Đất 03 hay còn gọi là đất nông nghiệp, là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng...).
Kho phế liệu tiếp giáp mặt đường với chiều dài 40m. |
Tài liệu do ông Xuyết cung cấp thể hiện rõ nguồn gốc của khu đất xây dựng xưởng tập kết phế liệu. Theo đó, ông Nguyễn Văn Lực đã thuê khu đất 03 từ năm 2005.
"Căn cứ vào biên bản làm việc với gia đình ông Đoàn Văn Tý và bà Vũ Thị Thuận với UBND xã nhất trí cho UBND xã lấy diện tích 03 của gia đình cho hộ sơ chế nhựa thuê với giá thỏa thuận 9 triệu đồng 1 sào", trích nguyên văn 1 phần biên bản thỏa thuận giữa các bên.
Theo đó, bà Vũ Thị Thuận nhận từ ông Nguyễn Văn Độ và Nguyễn Văn Lực với số tiền là 27 triệu đồng cho phần diện tích 1080m2 đất 03.
Cũng theo tài liệu, trong năm 2005, ông Nguyễn Văn Lực đã bị UBND xã Thống Nhất xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất nhựa không có giấy phép kinh doanh, làm ô nhiễm môi trường.
Theo Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, UBND xã nhiều lần động viên, nhắc nhở chủ xưởng về công tác phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu dừng hoạt động nhưng chưa được.
''Về thông tin xưởng tập kết phế liệu, chúng tôi cũng đã có báo cáo lên UBND huyện", ông Phạm Đăng Xuyết cho biết thêm.
Người dân vẫn vô tư hàn ngay trong xưởng tập kết phế liệu dễ cháy...
Một xưởng tập kết, phân loại phế liệu không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ngay trong khu dân cư đã hoạt động trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý triệt để khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý của chính quyền địa phương.