Hải Phòng: Thẩm phán ra 2 bản án khác nhau về một vụ án
Công trình nhà 2 tầng của gia đình ông Mao được xây dựng trong khi đang có tranh chấp đất đai |
Bị đơn thừa nhận rồi lật ngược lời khai
Ngày 28/7/2021, Tòa án Nhân dân huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Trình (lão thành cách mạng, SN 1933, trú tại số 39/30/199B Tô Hiệu, Hải Phòng) và bị đơn là bà Đặng Thị Đủ, SN 1954; ông Đặng Văn Mao, SN 1954 và vợ là Nguyễn Thị Tố, SN 1959; bà Đặng Thị Lũ, SN 1958 và ông Đặng Văn Tác, SN 1962.
Theo các tài liệu khởi kiện, ông Trình là con của cụ Nguyễn Văn Kiện (chết năm 1954) và cụ Đặng Thị Lỵ (chết năm 1960). Bố mẹ ông sinh được 3 người con, gồm bà Nguyễn Thị Thưa, bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Trình. Bà Thưa, bà Nguyệt đều chết trẻ, không có con. Ông Trình là người thừa kế duy nhất. Bố mẹ ông tạo dựng được khối tài sản là ngôi nhà tranh, dựng trên diện tích đất thổ cư 2.000m2 ở thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, Kiến Thụy. Bố mẹ ông và 2 em của ông đều sinh sống tại đây.
Năm 1945, ông đi tham gia Mặt trận Việt Minh, mẹ ông vẫn sống tại đây. Năm 1960, mẹ ông cho cháu họ là Đặng Văn Choang cùng vợ và các con, gồm bà Đủ, ông Mao, bà Lũ, ông Miêu ở nhờ trên đất. Tháng 11/1960, mẹ ông chết không để lại di chúc. Gia đình ông Choang tiếp tục sử dụng nhà, đất này. Khi ông Choang chết, các con ông Choang tự ý phá dỡ nhà của bố mẹ ông, xây dựng nhà mới, sử dụng đến nay.
Ông Nguyễn Văn Trình, nguyên đơn trong vụ án đòi lại quyền sử dụng đất |
Từ năm 2005, ông Trình nhiều lần đề nghị các con ông Choang trả lại đất nhưng không được.
Trong Biên bản hòa giải về việc tranh chấp đất thổ cư ngày 11/1/2007 tại UBND xã Hữu Bằng (Bút lục số 82, 83), bị đơn - ông Đặng Văn Mao đã khẳng định: “Mảnh đất đang tranh chấp trước đây của cụ Lỵ. Khi cụ ra thành phố ở với con đã giao lại cho ông nội ông Mao là cụ Đặng Văng Sáng. Sau đó, khoảng năm 1961, ông nội giao lại cho bố tôi là ông Đặng Văn Choang sử dụng (trước đó bố tôi không ở trên mảnh đất này). Đến nay, bố tôi chia cho anh em tôi sử dụng mảnh đất này với diện tích: Ông Mao 2 thửa 642m2; ông Tác 243m2; bà Lũ 392m2; Số còn lại hộ bà Xiển và hộ ông Ôi sử dụng. Năm 2006, ông Trình bàn với anh em tôi, xin lại một phần đất khoảng 100m2 để làn nơi ở và thờ cúng. Sau đó, ông Trình chê ít và đòi nhiều hơn, nên gia đình tôi không đồng ý…”.
Tại buổi hòa giải, ông Phan Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho rằng “hai bên nên hòa giải, thương lượng trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Gia đình ông Mao trả lại số diện tích là 328m2 cho gia đình ông Trình...”.
Ý kiến của ông Hoàng Đình Thảo, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Kiến Thụy: “Xác nhận mảnh đất đang tranh chấp trước đây thuộc quyền sử dụng của cụ Lỵ (mẹ ông Trình). Cụ Lỵ gửi lại cho ông nội ông Mao sử dụng, sau đó anh em ông Mao sử dụng… Việc ông Mao không trả lại một phần đất cho cho ông Trình là không đúng pháp luật”.
Tại biên bản ghi lời khai do Tòa án Nhân dân huyện Kiến Thụy lập ngày 11/7/2019 có một số người làm chứng (Bút lục số 291-292) và lời khai của ông Nguyễn Thế Nẹp (Bút lục số 03) là cán bộ địa chính xã Hữu Bằng thời điểm từ năm 1960-1980 phù hợp với lời khai của những người làm chứng khác - là người cao niên ở thôn Văn Hòa khẳng định: “Ông Choang đã sử dụng đất của cụ Lỵ, mẹ ông Trình tại thôn Văn Hòa…”.
Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, các lời khai xác định nguồn gốc đất tranh chấp của bố mẹ nguyên đơn là cụ Kiện và cụ Lỵ đã được nguyên đơn, bị đơn thống nhất phù hợp với Biên bản hòa giải ngày 11/1/2007 và lời khai của những người làm chứng, nên có cơ sở xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của bố mẹ nguyên đơn.
Vì vậy, tại Tòa án, ông Trình chỉ khởi kiện đòi lại 932m2 tại các thửa số 428, 475, 477, 427 tờ bản đồ số 32, thôn Văn Hòa, xã Hững Bằng…
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, ông Mao đã lật lại lời khai, cho rằng nguồn gốc đất là của bố mẹ ông cho ông…
Thẩm phán ban hành 2 bản án khác nhau
Quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng Xét xử cấp sơ thẩm cho rằng: Cụ Kiện và cụ Lỵ là bố mẹ ông Trình không còn sinh sống ở thôn Văn Hòa từ nhiều năm về trước; Không thực hiện quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức trên đất nên theo hồ sơ, sổ sách, tài liệu quản lý qua các thời kỳ còn lưu giữ tại UBND xã Hữu Bằng, thì không có tài liệu nào đăng ký đứng tên chủ sử dụng đất là bố mẹ ông Trình, cũng không có tên ông Trình.
Từ trước đến nay, HTX và UBND xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy không đo đất, không giao và cấp đất, cũng không thu bất kỳ khoản nghĩa vụ tài chính (đóng thuế) sử dụng đất đối với bố mẹ ông Trình và ông Trình tại những thửa đất của bố mẹ để lại.
Mẹ ông Trình cho cụ Đặng Văn Choang mượn từ năm 1960 nhưng không lập thành văn bản và không làm thủ tục tại chính quyền địa phương. Do vậy không có tài liệu thể hiện việc chuyển giao quyền sử dụng đất giữa bố mẹ ông Trình sang gia đình cụ Choang và các con. Vì thế, việc chuyển giao trên không phù hợp với các quy định của pháp luật, không có giá trị về mặt pháp lý…
Thẩm phán ban hành một bản án dài 25 trang và một bản án dài 27 trang |
Nguồn gốc những thửa đất mà ông Trình kiện đòi lại quyền sử dụng vì cho rằng của bố mẹ ông để lại từ trước những năm 1954 đến nay.
Các tài liệu được lưu giữ tại địa phương, xác định: Diện tích đất của cụ Choang, cụ Chọp cùng các con, cháu sinh sống từ khoảng những năm 1954 - 1955 đến trước năm 2005, có nguồn gốc là đất thổ cư được xác lập từ năm 1980 trở về trước.
Các thửa đất này không phải đất lấn chiếm; Không liền kề với với diện tích đất nông nghiệp giao lâu dài; Không liền kề với đất công ích 5% của đại phương; Không có đất quốc phòng trong thửa đất; Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng; Không có tranh chấp về ranh giới, mốc giới, diện tích với các hộ liền kề, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định. UBND xã Hữu Bằng khẳng định không có tên bố mẹ ông Trình và ông Trình trong sổ mục kê…
Như vậy, có đủ căn cứ để xác định, các thửa đất nêu trên thuộc quyền sử dụng của các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng các tài liệu chứng cứ do ông Trình cung cấp và các tài liệu do Tòa án xác minh, thu thập có trong hồ sơ vụ án không phải là chứng cứ chứng minh về việc bố mẹ và ông Trình có thực hiện quyền và chấp hành nghĩa vụ của người sử dụng đất từ trước năm 1960 đến nay đối với 4 thửa đất trên…
Vì vậy, Tòa đã tuyên xử: Đình chỉ yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản của nguyên đơn Nguyễn Văn Trình đối với đồng bị đơn gồm bà Đặng Thị Ôi, anh Vũ Văn Hưng, bà Phạm Thị Xuyển, anh Nguyễn Văn Mận và phần yêu cầu khởi kiện đòi lại tài sản đối với ông Miêu, ông Thinh, bà Đủ, bà Lũ; Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trình về việc đòi lại tài sản là quyền sử dụng 4 thửa đất gồm thửa đất số 428, 475, 477 và 427…
Bản án số 04/2021/DS-ST ngày 28/7/2021 do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Hoàng ký ban hành có 27 trang. Tuy nhiên, sau khi ban hành Bản án này khoảng 1 tháng, Thẩm phán Nguyễn Đức Hoàng lại ký ban hành bản án thứ 2 cùng số, cùng ngày nhưng chỉ có 25 trang. Bản án thứ 2 này đã được cắt ngắn, chỉnh sửa nhiều nội dung tại các trang 3, 19, 20, 21, 23 và 24.
UBND xã Hữu Bằng để bị đơn xây dựng nhà trên đất tranh chấp?
Trong quá trình tranh chấp nói trên, từ tháng 7/2009, ông Trình đã có nhiều đơn trình báo gửi UBND xã Hữu Bằng về việc: “Gia đình ông Đặng Văn Mao tự ý xây dựng nhà trái phép trên đất đang tranh chấp và đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn…". Tuy nhiên, UBND xã Hữu Bằng vẫn để gia đình ông Mao xây dựng hoàn thiện các công trình xây dựng.
Từ năm 2018, khi gia đình ông Mao xây dựng tầng 1, ông Trình đã chụp ảnh và có đơn đề nghị UBND xã Hữu Bằng ngăn chặn nhưng không được giải quyết |
Tại Công văn số 55/UBND ngày 14/12/2021 và Công văn số 57/UBND ngày 30/12/2021, UBND xã Hữu Bằng viện dẫn và cho rằng tại trang 26 Bản án số 04/2021/DS-ST thể hiện “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Trình về việc đòi lại tài sản là quyền sử dụng 4 thửa đất…”.
Theo Quy định của Luật Xây dựng số 50/2014 và Luật Xây dựng số 62/2020/QH13 thì trường hợp gia đình ông Đặng Văn Mao xây dựng công trình là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng.
Bên cạnh đó, thửa đất gia đình ông Đặng Văn Mao xây dựng công trình nhà 2 tầng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang có tranh chấp. Vì vậy, theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: "Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp" thì gia đình ông Mao tự ý xây dựng nhà ở, làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp là không đúng quy định của pháp luật.