Hải Phòng: Vẫn còn tình trạng gây phiền hà trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng trả lời chất vấn tại kỳ họp |
Sáng 19/7, dưới sự chủ trì của ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố, Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu chất vấn ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng về một số vấn đề liên quan đến cấp GCNQSDĐ; Một số vụ việc vi phạm đất đai trên địa bàn thành phố; Về quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển; Một số tổ chức trên địa bàn quận Ngô Quyền chậm đưa đất được giao vào sử dụng; Giao đất cho một số hộ dân thuộc dự án đường ngã 5 sân bay Cát Bi...
Qua nghe phần chất vấn và trả lời chất vất của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đánh giá: “Liên quan đến nội dung cấp GCNQSDĐ, Giám đốc Sở đã trả lời cụ thể, thể hiện được quyết tâm cao của ngành Tài nguyên và Môi trường trong công tác cấp GCNQSDĐ. Các giải pháp đưa ra cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua, nhất là gần đây ngành cũng đã quan tâm thực hiện được việc đối thoại trực tiếp với nhân dân, đây là cách làm đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, vấn đề cấp GCNQSDĐ hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị bức xúc trong Nhân dân và cử tri thành phố. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để, chậm áp dụng công nghệ số; Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức gây phiền hà, sách nhiễu. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ còn sai sót, kéo dài thời gian, luân chuyển hồ sơ xử lý giữa các cơ quan liên quan còn chậm”.
Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đề nghị Giám đốc Sở tập trung vào một số giải pháp. Cụ thể: Về trước mắt, cần chấn chỉnh toàn ngành, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ ở lĩnh vực cấp GCNQSDĐ, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu các đơn vị thuộc Sở; Tăng cường việc cải cách thủ tục hành chính, phải đi vào thực chất trên cả 3 lĩnh vực: giảm thời gian, giảm giấy tờ, giảm chi phí; Nhất là việc công khai hoá thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu Sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện với nhân dân về công tác cấp GCNQSDĐ.
Về giải pháp lâu dài, phải khẩn trương triển khai đề án tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn thành phố xong trước năm 2025; Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành Tài nguyên và Môi trường; Tiến hành giải quyết thủ tục hành chính của ngành cấp độ 4 trên môi trường số trong năm 2022.