Hải quan đấu tranh có hiệu quả tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia
Tăng cường các quy định mới, quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan Hải quan Quảng Ninh thu ngân sách hơn 490 tỷ đồng từ các doanh nghiệp mới |
Lực lượng Hải quan phát hiện thu giữ số lượng lớn sừng Tê giác |
Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia với vai trò thành viên Ban chỉ đạo liên ngành các cơ quan thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã Việt Nam (VIETNAM – WEN); Luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, chủ động xây dựng các kế hoạch, giải pháp hiệu quả, các văn bản chỉ đạo, cảnh báo nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan Hải quan luôn chủ động kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã qua biên giới, thường xuyên thu thập thông tin, nắm tình hình, xác định sớm các dấu hiệu nghi vấn để tổ chức lực lượng theo dõi, bắt giữ các lô hàng vi phạm.
Tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 8/2020, toàn ngành Hải quan đã phát hiện và bắt giữ 36 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã qua biên giới, trong đó có nhiều vụ vi phạm quy mô lớn, tính chất phức tạp, cá biệt đã xuất hiện vụ lớn nhất từ trước đến nay. Điển hình là vụ phát hiện bắt giữ hơn 9,1 tấn ngà voi qua Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 28/3/2019; Vụ phát hiện bắt giữ 5.264 kg vẩy Tê Tê tại Cảng Cái Mép – Vũng Tàu ngày 23/5/2019; Vụ phát hiện, bắt giữ 330 kg ngà voi và 1.700 kg vảy tê tê ngày 10/12/2019 tại Hải Phòng....
Ngành chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh đối với tội phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Đặc biệt, đối với hoạt động hợp tác quốc tế, từ năm 2018 đến nay. Hải quan Việt Nam cũng đã tích cực tham gia 5 chiến dịch quốc tế về kiểm soát chung chống buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các loài hoang dã.
Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã chủ động phối hợp với Hải quan Trung quốc tổ chức 2 cuộc Hội đàm; chủ trì, phối hợp với Hải quan Campuchia tổ chức 1 Hội thảo chuyên sâu về phối hợp đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã qua biên giới. Qua đó, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận thông tin tình báo từ Hải quan Trung Quốc, kịp thời bắt giữ 8,3 tấn vảy tê tê tại Hải Phòng vào tháng 3/2019 và 5,3 tấn vảy tê tê tại Vũng Tàu vào tháng 5/2019.
Ngành Hải quan thường xuyên có các cuộc họp thường niên, tiếp xã giao các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế thuộc các quốc gia nằm trong tuyến đường có hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã diễn biến phức tạp trên thế giới như Nigeria, Vương quốc Anh...
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm soát Hải quan, cụ thể: Đã tổ chức một số hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng phân tích thông tin, điều tra hình sự, kỹ năng nhận dạng tang vật, cứu hộ ban đầu với động vật sống và xử lý vi phạm hành chính, hình sự theo thẩm quyền của cơ quan Hải quan đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam đã xây dựng và ban hành thành công cuốn cẩm nang hướng dẫn nhận dạng các loài tê tê, nhận dạng các sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán phổ biến ở Việt Nam để trang bị cho các đơn vị Hải quan địa phương làm tài liệu tra cứu tại chỗ nhằm nhận dạng nhanh chóng, chính xác tang vật vi phạm.
Đầu năm 2020, đã hoàn thiện, phát hành Sổ tay Kiểm soát Hải quan đối với động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã nhằm giúp các cán bộ, công chức Hải quan cập nhật các cơ sở pháp lý hiện hành về kiểm soát hải quan, về bảo vệ các loài hoang dã và các chế tài xử lý hành chính, hình sự, xử lý tang vật liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã cũng như tham khảo các kỹ năng, kinh nghiệm về kiểm soát phòng ngừa, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Mặc dù liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc nổi cộm, tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn để buôn lậu và vận chuyển trái phép động vật hoang dã ngày càng tinh vi thông qua thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; thường xuyên thay đổi các địa điểm tập kết, kho bãi, hoạt động không theo quy luật và không cố định. Công tác giám định tốn kém, đôi khi gặp khó khăn do trong một số trường hợp tang vật có số lượng ít , không đủ làm mẫu vật.
Đặc biệt, quy định về thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Trên thực tế khi phát hiện những hành vi vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho Cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm…
Khó khăn là vậy nhưng những kết quả đạt được của ngành Hải quan trong thời gian qua đã minh chứng rõ nét sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam cũng như quyết tâm, quyết liệt của cán bộ, công chức ngành Hải quan trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài hoang dã qua biên giới Việt Nam.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |