Hành trình gian nan đòi quyền nuôi con của người mẹ trẻ
Những ngày cuối cùng của năm Bính Thân, trong khi người người, nhà nhà đang tất bật chuẩn bị chào đón năm mới trong tâm thế vui vẻ, háo hức, thì chị Trần Thị Thiệp (SN 1989, trú tại cụm 6, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) vẫn đang miệt mài với hành trình đòi quyền nuôi con đầy nước mắt và khổ đau.
Chị Thiệp cho biết, đầu năm 2008, chị kết hôn cùng anh Đỗ Quốc H (trú tại cụm 3, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng). Hạnh phúc sớm đơm hoa kết trái khi chị Thiệp sinh hạ đứa con trai đầu lòng là cháu Đỗ Quốc N (sinh năm 2008). Tuy vậy, hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” khi vào tháng 7/2010, anh H đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Chồng mất sớm, chị Thiệp vừa chăm sóc con nhỏ vừa phụng dưỡng cha chồng là ông Đỗ T đã ngoài 90 tuổi.
Đến năm 2012, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, ông T đã đuổi chị Thiệp ra khỏi nhà và giữ cháu N ở lại. Thời gian đầu, ông T cho chị đến thăm con. Tuy nhiên, khi chị Thiệp lập gia đình mới vào tháng 7/2014 thì ông T cấm cửa hẳn không cho mẹ con gặp nhau. Nhìn thấy con trước mặt mà không thể gần gũi, bảo ban, khiến chị Thiệp đau đớn vô cùng. Hành vi chia rẽ tình mẫu tử của gia đình nhà chồng buộc chị Thiệp phải gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi quyền nuôi con vào năm 2015. Chỉ đến lúc này, ông T mới chịu xuống nước, cam kết cho chị Thiệp tới thăm con mỗi tuần 1 lần. Tuy vậy, tình trạng trên chỉ diễn ra được một thời gian ngắn, sau đó ông T lại ngăn cấm mẹ con cháu N được gặp nhau. Hành động của ông T lần này thực sự là “giọt nước tràn ly” khiến 2 bên phải thêm một lần nữa hầu tòa.
Nói về điều kiện nuôi con chị Thiệp cho biết, chị có công việc ổn định, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị đã xây nhà ở suất đất mà bố mẹ đẻ cho. Về phía nhà chồng mới cũng rất ủng hộ chị Thiệp đón cháu N về chăm sóc, nuôi dưỡng. “Thực lòng mà nói, trong thâm tâm tôi vẫn dành một vị trí đặc biệt cho gia đình nhà ông nội cháu N. Việc tôi phải viết đơn cầu cứu và khởi kiện ra tòa để giành quyền nuôi con là việc làm bất đắc dĩ. Trong trường hợp cháu N về ở với mẹ, tôi cũng sẽ hết sức tạo điều kiện để phía nhà chồng thường xuyên qua thăm nom bất cứ lúc nào. Tôi luôn tâm niệm, bất cứ ai sinh ra trên cõi đời này cũng không được quên gốc gác của mình. Đấy là điều mà tôi hay dạy bảo cháu N mỗi lần được gần gũi”, chị Thiệp cho hay.
Theo bản án số 10/2016/HNGĐ-ST ngày 9/9/2016, TAND huyện Đan Phượng xét thấy về điều kiện nuôi con của chị Thiệp tốt hơn ông T. Bản thân ông nội cháu N hiện đã ngoài 90 tuổi, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như chăm lo việc học hành cho cháu N sẽ vất vả. Mặt khác chị Thiệp là mẹ đẻ của cháu N, anh H (bố cháu đã mất) nên chị có quyền được nuôi con. Cháu N năm nay lên lớp 3 nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Từ những yếu tố nếu trên, HĐXX quyết định áp dụng điều 69, 104 Luật Hôn nhân gia đình năm 2004; điều 147, điều 271, điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; điều 27 pháp lệnh về án phí lệ phí tòa án, chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị Trần Thị Thiệp đối với ông Đỗ T; cho phép ông T được quyền qua lại thăm nom cháu N không ai được ngăn cản.
Sau khi bản án của TAND huyện Đan Phượng có hiệu lực, ngày 7/11/2016 Chi Cục thi hành án dân sự huyện Đan Phượng cũng đã có quyết định “thi hành án theo yêu cầu”. Quyết định nêu rõ: Cho thi hành án đối với ông Đỗ T (trú tại cụm 3, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) với các điều khoản: Giao cháu Đỗ Quốc N (SN 10/12/2008) cho chị Trần Thị Thiệp trực tiếp nuôi dưỡng. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Mặc dù quyết định thi hành án rất rõ ràng là vậy nhưng tới thời điểm hiện tại đã gần 2 tháng trôi qua, mẹ con cháu N vẫn chưa được đoàn tụ.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Phạm Văn Tâm, chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án cho biết: Ngày 8/11/2016 Chi cục thi hành án dân sự đã tiến hành tống đạt quyết định thi hành án trực tiếp cho ông Đỗ T. Thời điểm đó ông T nêu quan điểm là sẽ không giao cháu N cho chị Thiệp với lý do chị Thiệp đã đi lấy chồng và cũng không chăm sóc, nuôi dưỡng cháu N từ ngày chồng chị Thiệp mất. Chi cục THA đã vận động ông Đỗ T rằng việc giao cháu N là thực hiện theo bản án có hiệu lực pháp luật của TAND huyện Đan Phượng.
Trong khi đó ông Nguyễn Quang Minh, Chi Cục trưởng Cục THA Đan Phượng cho biết: “Tới đây chúng tôi sẽ yêu cầu chấp hành viên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị vận động, thuyết phục ông T tự nguyện giao cháu N cho chị Thiệp. Trước tết Âm lịch, nếu việc thuyết phục ông T không thành công, Chi cục THA sẽ làm báo cáo trình UBND huyện Đan Phượng có biện pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm vụ việc trên”.