HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua nhiều quyết sách quan trọng về dự án đầu tư công
Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X bàn và quyết định nhiều dự án đầu tư công Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM |
Tăng phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, theo tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh, các mức phí giao dịch đảm bảo khi cá nhân, tổ chức làm hồ sơ thế chấp, xóa thế chấp, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều tăng, đồng thời sẽ thu phí hồ sơ cấp mới, đổi, cấp lại.
Trong đó, nhóm thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng thấp nhất, từ 1,26 - 1,7 lần. Thủ tục xóa đăng ký giao dịch đảm bảo của tổ chức tăng cao nhất là 90 lần.
Cụ thể, trong trường hợp thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng, các hộ gia đình, cá nhân đóng mức phí 1.010.000 - 1.400.000 đồng thay vì 650.000 - 950.000 đồng như trước đây. Các tổ chức phải đóng 1.800.000 - 2.250.000 đồng khi thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng thay vì mức phí 950.000 - 1.650.000 đồng như trước đây.
Theo nghị quyết mới, ngoài đối tượng áp dụng tăng phí giao dịch hành chính đất đai là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, TP Hồ Chí Minh cũng đã bổ sung thêm các cơ quan, cơ sở tôn giáo phải đóng loại phí này.
Dịp này, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết về mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện) bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trường hợp thế chấp, mức thu sẽ tăng từ 80.000 đồng lên từ 720.000 - 1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân (tỉ lệ tăng từ 9 - 12,5 lần); Từ 1.550.000 - 1.950.000 đồng đối với cơ quan, tổ chức (tỉ lệ tăng từ 19 - 24 lần).
Trường hợp thay đổi nội dung thế chấp cũng áp dụng mức tăng như trường hợp thế chấp (mức thu cũ là 60.000 đồng). Các trường hợp còn lại không thay đổi mức phí.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp |
Lý giải về việc tăng các phí giao dịch bất động sản, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, mức thu cũ mới chỉ áp dụng với 33% đối tượng và khối lượng công việc thẩm định. 67% đối tượng và khối lượng công việc còn lại vẫn chưa có mức thu.
Ngoài ra, mức thu cũ cũng chưa bảo đảm được mức chi cơ bản và thiếu đối tượng phải thu theo quy định mới của Bộ Tài chính. Bởi việc tăng phí lần này là căn cứ theo chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định. Chi phí này bao gồm các khoản chi như: Nhân công, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, quản lý và kiểm tra nghiệm thu, thuê đất, ngân hàng...
Các mức phí giao dịch bất động sản mới mà HĐND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua sẽ được áp dụng từ ngày 1/6. Tuy nhiên, các mức phí này sẽ được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng...
Hàng loạt dự án đầu tư công được thông qua
Ở lĩnh vực giao thông, đáng chú ý HĐND TP Hồ Chí Minh thống nhất thông qua tờ trình về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp đường Cao Lỗ (Phường 4, Quận 8) với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 297 tỉ đồng; Thông qua các tờ trình điều chỉnh chủ trương, tăng tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện 6 dự án; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng trung hạn vốn ngân sách địa phương (lần 3); Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương…
HĐND TP cũng thông qua các chủ trương đầu tư, xây dựng, nâng cấp một số dự án Nghĩa trang Liệt sĩ, khu di tích cách mạng, trường học…
Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua các tờ trình trong kỳ họp ngày 18/4 |
Ngoài ra, tại kỳ họp, HĐND TP cũng thông qua đề xuất của UBND TP điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất giao số vốn 13.100 tỷ đồng bố trí cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và toàn bộ số vốn còn lại là 13.864,659 tỷ đồng cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn trong năm 2023.
Cụ thể: Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: 157,186 tỷ đồng; Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP: 5.800,555 tỷ đồng; Vốn ngân sách thành phố tập trung: 20.641,519 tỷ đồng, trong đó 13.100 tỷ đồng bố trí cho 2 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; Vốn ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, TP Thủ Đức: 50,929 tỷ đồng; Vốn bố trí cho các dự án trước đây sử dụng ngân sách quận: 7,776 tỷ đồng; Vốn bố trí cho các dự án đầu tư công khẩn cấp: 306,694 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, với phương án phân bổ như trên, đã đảm bảo bố trí 100% tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022.
Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua chủ trương đầu tư, xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã với tổng vốn 296 tỷ đồng. Đây là chủ trương hết sức cấp bách mà thành phố đang rất cần triển khai nhanh, quyết liệt.
Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp |
Phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị sau khi các tờ trình về các dự án đã thông qua, UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức chức năng, nhiệm vụ của mình phải nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết của HĐND TP; Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực của Trung ương và địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế TP phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian còn lại của năm 2023 và các năm tiếp theo.