Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người
Bìa cuốn sách “Hệ miễn dịch - Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người”
Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người đã từng trải qua nhiều loại bệnh dịch khác nhau, cùng với sự phát triển của Y học thì khả năng tiến hóa của cơ thể chúng ta để chống chọi với bệnh tật cũng ngày một tăng lên. Cơ thể con người có khả năng chiến đấu với bệnh tật và tự chữa lành vết thương là một trong những bí ẩn và tuyệt tác của thiên nhiên. Đó gọi là hệ thống miễn dịch, nó giữ vai trò rất quan trọng trong việc tự bảo vệ sức khỏe của con người.
Trong thời điểm hiện nay cả thế giới lại đang phải đương đầu với một loại bệnh dịch mới chưa có thuốc điều trị, thì hơn bao giờ hết, việc hiểu và nâng cao khả năng tự bảo vệ của cơ thể là điều rất cần thiết.
Hệ miễn dịch hiện đang là một trong những lĩnh vực nghiên cứu thu hút được sự chú ý và tài trợ của nhiều ngôi sao nhất trong Y học. Nó vô cùng phức tạp nhưng cũng không kém phần lý thú.
Trong những năm gần đây, nghiên cứu miệt mài đã dẫn đến những tiến bộ lớn trong việc chúng ta nắm bắt thế giới nội tâm tuyệt đẹp này: Khi chúng ta bị ốm hoặc bị thương, một mạng lưới rộng lớn và phức tạp của các tế bào chuyên gia, protein điều hòa và các gen chuyên dụng lập tức hình thành cơ chế phòng vệ trong cơ thể, nỗ lực triệt hạ những vi khuẩn xâm nhập hoặc tấn công những khối u đang phát triển. Nó mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ loại thuốc nào từng được phát minh.
Ngành Miễn dịch học liên quan đến chúng ta một cách mật thiết nhất trong suốt chiều dài của lịch sử. Một nghiên cứu đầy tham vọng gần đây đã lấy được DNA từ răng của những người Aztec đã qua đời hàng thế kỷ và tiết lộ nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của họ, cùng với sự tuyệt diệt của 15 triệu người khác cùng sống ở thế kỷ 16.
Họ đã khám phá ra một chủng lạ của khuẩn Salmonella có thể gây ra những cơn sốt qua đường ruột – một loại vi khuẩn mà người châu Mỹ bản địa chưa bao giờ tiếp xúc cho đến khi những người từ châu Âu đặt chân lên lục địa của họ. Hệ miễn dịch của họ chưa học được cách chống lại loài vi khuẩn hiểm ác đó. Đó là một trong những dẫn chứng về việc văn hóa và lịch sử được định hình bởi sức đề kháng, như cách nó được định hình bởi những đại dịch ở Eurasia thười Justinian từ năm 541 đến 542 sau Công nguyên.
Trong cuốn sách “Hệ miễn dịch - Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người”, nhà miễn dịch học hàng đầu Daniel M.Davis đã ví von rằng, nghiên cứu hệ miễn dịch trong cơ thể con người cũng giống như nghiên cứu những vì sao và ngân hà trong vũ trụ của chúng ta vậy. Tác giả đưa cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về bức tranh rộng lớn của hệ miễn dịch, cùng những câu chuyện về hành trình khám phá ra những mảnh ghép của bức tranh ấy.
Hành trình khám phá đi từ những phát kiến kéo dài nhiều thập kỷ của các nhà khoa học tiên phong, từ những thí nghiệm đầu tiên về vắc xin tiêm chủng bệnh đậu mùa vào những năm 1720, cho đến những tiến triển vượt trội trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng hệ miễn dịch. Việc nghiền ngẫm cuốn sách này sẽ giúp chúng ta có những khái niệm đầu tiên về sự phức tạp của “vũ trụ hệ miễn dịch” bên trong ta.
Cuốn sách được chia ra làm hai phần: Phần đầu tiên giải thích những khái niệm cơ bản về sức đề kháng, đồng thời kể về hành trình khám phá các tế bào cùng các cơ chế phức tạp trong hệ miễn dịch. Phần thứ hai bàn về những nghiên cứu hiện đại về việc những tác nhân khác nhau ảnh hưởng thế nào đến hệ miễn dịch của chúng ta.
Tác giả chỉ ra rất nhiều điều chúng ta cần biết về cách hệ miễn dịch làm việc, rằng: khả năng của cơ thể chúng ta nhằm chống lại bệnh tật là liên tục thay đổi. Sức mạnh của hệ miễn dịch lúc tăng lúc giảm, bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng, tuổi già, thời gian trong ngày và trạng thái thần kinh của chúng ta.
Hệ miễn dịch của chúng ta ở trong sự thay đổi liên tục; sức khỏe như nghệ sĩ xiếc đi dây. Chẳng hạn, số lượng tế bào miễn dịch trong máu có xu hướng đạt đến đỉnh điểm vào buổi tối và ở mức thấp nhất vào buổi sáng.
Davis cũng chỉ ra làm thế để tăng cường hệ miễn dịch qua chế độ ăn uống và sinh hoạt. Những câu hỏi mang tính cốt lõi như: Cơ thể con người cho rằng cái gì là “bản thân”, cái gì là “ngoại nhập”? Hàng ngày chúng ta ăn vào rất nhiều thành phần “ngoại nhập”, nhưng làm sao cơ thể chúng ta biết được thứ gì là tốt, thứ gì có hại cho cơ thể?
Những điều chúng ta thực sự biết về cách stress ảnh hưởng đến cách cơ thể phòng vệ cũng như việc tươi cười tương tác thế nào đến sức đề kháng. Cuốn sách có thể chỉ cho chúng ta cách chiến đấu với bệnh tật một cách hiệu quả hơn. Ví dụ, có những bằng chứng cho thấy rằng, việc tiêm phòng vắc xin vào những thời điểm khác nhau trong ngày có thể có mức độ hiệu quả khác nhau.
Tác giả cũng chia sẻ những tiên đoán về tương lai của ngành trị liệu bằng hệ miễn dịch và nhận định việc hiểu rõ hơn về hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến ngành dược trong tương lai, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư và các căn bệnh được gây ra do các phản ứng miễn dịch bất thường như thấp khớp.
Cuốn sách còn nhắc đến một mối đe dọa có thật mà chúng ta phải đối mặt: với tình hình biến đổi khí hậu, những xác chết mang mầm bệnh đã bị diệt trừ từ quá khứ sẽ lộ ra từ lớp băng vĩnh cửu. Và hơn hết, giờ đây chúng ta nên dành thời gian để hiểu rõ hơn về những hàng rào bảo vệ mà tiến hóa đã cung cấp cho chúng ta, bởi vì cuộc chiến này là vô tận. “Hệ miễn dịch” là một cẩm nang chỉ dẫn xứng đáng như vậy cho loài người.
Daniel M. Davis (sinh năm 1970) là Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester, Anh. Bằng việc sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu sinh học tế bào miễn dịch, ông đã giúp tìm hiểu cách các tế bào miễn dịch tương tác với nhau như thế nào.
Cuốn sách “Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người” từng được đề cử cho giải thưởng sách khoa học năm 2018 của Hiệp hội Hoàng gia London. Một cuốn sách khác của ông là Gen tương hợp (The Compatibility Gene) cũng nhận được sự đánh giá cao từ đông đảo độc giả.