Hiểm hoạ ma túy đội lốt “nước khoái”, thuốc lá điện tử
Ma túy tẩm trong thuốc lá điện tử
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an vừa cho biết, thời gian gần đây, trinh sát Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện nhiều bài quảng cáo và rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy trên các trang mạng xã hội.
Để tăng độ phê, thu lợi nhuận, đồng thời tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh dầu ma túy vào những điếu thuốc này. Vì lợi nhuận, các đối tượng không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, kể cả “đầu độc” thế hệ trẻ. Những loại ma túy này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây suy giảm trí nhớ, mất trí, sử dụng lâu gây teo não…
Xác định tính nguy hại của các loại ma túy ngụy trang, núp bóng thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu và quy mô, tính chất phức tạp của đường dây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã xác lập chuyên án để tập trung khám phá.
Lê Anh Thơ cầm đầu đường dây bơm tinh dầu ma túy vào thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi |
Đi sâu xác minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định đối tượng cầm đầu tổ chức tội phạm này là Lê Anh Thơ, 28 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Quá trình điều tra, trinh sát nắm được đối tượng này lên mạng xã hội tìm kiếm công thức, sau đó liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị thuốc lá và hóa chất, cùng các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi... chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển hàng hóa.
Sau đó, các đối tượng pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi và lắp ráp, chạy máy để se thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy. Với mỗi loại thuốc lá, đối tượng Thơ cùng đồng bọn bào chế ra nhiều vị khác nhau... Tẩm ướp ma túy xong, các đối tượng dán nhãn thuốc lá điện tử Ampire chill và thuốc lá điếu Dominix để bán.
Toàn bộ bao bì, nhãn mác thuốc lá điện tử được Thơ đặt làm riêng, độc quyền, có cả chế độ bảo hành, đổi trả với các sản phẩm bị lỗi. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi kho xưởng. Sau khi cho ra điếu thuốc thành phẩm, Thơ chỉ đạo đồng bọn đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói là các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy nhằm đánh lừa người sử dụng.
Các đối tượng chọn khách mua số lượng lớn để bán buôn là chính và xây dựng giá bán theo số lượng hàng bán ra. Mua càng nhiều giá càng rẻ và ngược lại. Các đối tượng lập nhóm riêng và thường xuyên lọc người vào nhóm, cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bị phát hiện thì xóa nhóm, xóa tài khoản ảo để lập tài khoản, nhóm mới hoạt động.
Nhận định các đối tượng vừa sản xuất xong lô hàng thuốc lá chứa ma túy, ngày 14/9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác đã mật phục và bắt quả tang 4 đối tượng Đỗ Duy Lung, Lê Anh Đức, Hoàng Văn Quý, Phùng Quốc Việt đang có hành vi pha trộn, dùng bơm kim tiêm đưa tinh dầu chứa ma túy pha trộn vào thuốc lá điện tử “ampire chill” tại kho xưởng ở xã Phương Nhị, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Thuốc lá điện tử Pod Chill chứa chất ma túy |
Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy, 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy, 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp, gần 300 thùng carton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện, vỏ hộp, nhãn mác dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử. Ngoài ra, lực lượng công an đã phát hiện và thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu vị, được Lê Anh Thơ nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường.
Cùng thời điểm trên, một tổ công tác bắt giữ và khám xét chỗ ở của Lê Anh Thơ, phát hiện và thu giữ nhiều máy móc, hóa chất, thuốc lá điện tử thành phẩm, vỏ các nhãn hiệu thuốc lá sợi cuốn và thuốc lá điện tử... Đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can.
Trước đó vào đầu năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 Bộ Công an) cũng phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp dạng “nước vui” với quy mô lớn. Sau gần 3 tháng xác minh, lực lượng Công an phát hiện, cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Hoài, 31 tuổi, trú tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Sáng 5/6/2023, khi hai đối tượng đưa ma túy đi tiêu thụ, một tổ công tác ập vào bắt quả tang. Tại hiện trường, Công an đã thu giữ 67kg ma túy tổng hợp, trong đó có gần 9.000 gói ma túy thành phẩm dán nhãn Chali, Deadpool, Foryou, Coffee, Cristy Fruit và 20kg ma túy tổng hợp dạng bột chưa đóng gói.
Cùng lúc này, 17 tổ công tác đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 7 địa điểm cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy và bắt giữ 17 đối tượng liên quan, thu 217kg ma túy tổng hợp các loại, 208kg vỏ bao bì cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng vào pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy. Ước tính số bao bì các đối tượng có thể đóng được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”…
Nữ DJ Nguyễn Thị Hoài cầm đầu đường dây sản xuất ma túy “nước vui” với số lượng cực lớn |
Các loại thiết bị để đóng gói ma túy dạng "nước vui" |
Hậu quả từ việc lệ thuộc ma túy
Việc lệ thuộc, nghiện ma túy sẽ dẫn tới hành vi phạm tội khác, để lại hậu quả buồn đau cho chính bản thân người nghiện, gia đình và xã hội. Trường hợp của Phạm Thị Thu Hằng (SN 1986, quê Hải Phòng) là một ví dụ. Vì nghiện ma túy, để có tiền tiêu sài, đã lừa 3 người gồm cả chị ruột, cháu gái sang Trung Quốc, bán vào động mại dâm. Người cháu khi đó mới 16 tuổi, sau 2 năm lưu lạc mới được trở về Việt Nam.
Sáng 27/11, Toà án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thu Hằng 12 năm tù về tội "Mua bán người" với tình tiết "đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng, Hằng là người nghiện, từng bị phạt tù về hành vi liên quan ma túy. Cô ta sau đó lang thang bên Trung Quốc và quen biết một cặp vợ chồng tên Thắm, Hạnh (chưa xác định được lai lịch) làm dịch vụ mại dâm. Năm 2015, bị cáo Hằng được Thắm thuê về nước, lừa các cô gái sang bán dâm với tiền công 3 triệu đồng/người. Cô ta liền về gặp một phụ nữ bán dâm ở Hải Phòng, nói "sang Trung Quốc rót bia quán karaoke" và được nhận lời.
Hằng còn tìm gặp chị gái ruột của mình, tên Liễu (SN 1980), đề nghị sang Trung Quốc làm việc. Khi đó, con gái nuôi của chị Liễu là cháu Hoa (SN 1998, mới 16 tuổi) cũng ở đó nên Hằng rủ cùng đi. Cô ta nói với các nạn nhân, sang bên kia biên giới "chỉ rót bia, không làm sẽ được cho về luôn". Lừa được 3 người, Hằng đưa họ đến Móng Cái (Quảng Ninh), cho lên đò sang Trung Quốc rồi giao tất cả cho vợ chồng Thắm, Hạnh. Cô ta nhận tiền công 9 triệu đồng rồi về nước.
Phạm Thị Thu Hằng tại phiên xử sơ thẩm |
Sau đó, các nạn nhân bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc, bị đánh đập, ép phải bán dâm. Đến cuối năm 2016, cháu Hoa trốn khỏi động quỷ, lang thang ở Trung Quốc và về được Việt Nam vào năm 2017. Mẹ đẻ cháu bé liền đến công an trình báo sự việc.
Sau 6 năm điều tra, cảnh sát xác định Phạm Thị Thu Hằng là người lừa bán cháu Hoa sang Trung Quốc nên bắt giữ. Cô ta phạm tội thuộc trường hợp "mua bán từ 2 đến 5 người" nhưng cũng được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ là "thành khẩn khai báo". Vụ án cũng là bài học cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần tránh xa ma túy; Đừng vì phút thể hiện đẳng cấp, sành điệu, thời thượng rồi dẫn tới thân tàn, ma dại, làm hại gia đình và xã hội.