Hình thành Cảng hàng không thứ 2 trước năm 2040
Chiều 5/3, tại Nhà Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để nghe báo cáo về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Báo cáo nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Quang cảnh buổi làm việc |
Dự trữ hạ tầng cho Cảng hàng không thứ 2
Tại hội nghị, các đại biểu đã xem 2 phóng sự giới thiệu những nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ 5 quan điểm phát triển. Trong đó, Hà Nội phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhanh, bền vững, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, là hình mẫu và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển; lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quảng đại nhân dân trên nguyên tắc đa số đồng thuận. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên; phát triển bền vững trên nguyên tắc "thuận thiên" và tuân thủ các quy luật thị trường; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" làm tiêu chuẩn phát triển...
Lãnh đạo TP Hà Nội dự buổi làm việc |
Trong khi đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển bằng các chiến lược phát triển; xác định cụ thể các nội dung trọng tâm kế thừa, điều chỉnh và đề xuất mới; bảo đảm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, Đồ án nêu 9 nội dung đề xuất chương trình, dự án đột phá, trọng tâm. Trong đó, bên cạnh mục tiêu xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành TP kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới, phải tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, là trung tâm văn hóa sáng tạo.
Phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của Thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học, công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển…
Ngoài ra, đồ án cũng xác định áp dụng mô hình "Thành phố trong Thủ đô" để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa); đồng thời, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc |
Báo cáo thêm về các nội dung liên quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dự kiến theo lộ trình, trong tháng 4 sắp tới, Thành ủy sẽ trực tiếp báo cáo Bộ Chính trị về 2 quy hoạch này, sau đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Khớp 2 quy hoạch cho từng giai đoạn
Phát biểu ý kiến định hướng về 2 nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thẩm quyền thông qua các nội dung này là của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật, hai nội dung này cần trình Quốc hội cho ý kiến. Do đó, cuộc làm việc này cũng nhằm thúc đẩy phối hợp từ sớm, từ xa để chuẩn bị tốt nhất cho việc trình Quốc hội 2 nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về cách làm, Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được xem xét đồng thời nhưng về nguyên tắc vẫn phải bảo đảm tính thứ bậc giữa Quy hoạch chung Thủ đô và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; giữa Quy hoạch chung Thủ đô, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, các Quy hoạch ngành quốc gia...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng các cơ sở xây dựng Quy hoạch chung và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nhất là các cơ sở về dân số, lao động, việc làm, dân số vãng lai, số lượng sinh viên, lực lượng vũ trang, khách du lịch... bảo đảm sát thực với hiện trạng và dự báo phát triển trong tương lai, phải "khớp" cả hai quy hoạch này cho từng giai đoạn.
Hà Nội phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có số liệu chính xác, bảo đảm đúng, đủ, sạch, sống. Đồng chí yêu cầu phải rà soát kỹ nội dung Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cần phải hiểu rằng các quy hoạch này chính là sự cụ thể hóa các chủ trương quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải làm sâu sắc hơn sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cũng như bảo đảm sự tương thích giữa 2 quy hoạch và giữa quy hoạch Hà Nội với quy hoạch vùng.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đề xuất dành không gian để xây dựng Cảng hàng không thứ 2 ở khu vực phía Nam Vùng Thủ đô, đồng thời đề nghị, phải tính toán hình thành sớm hơn chứ đợi đến năm 2040 như trong quy hoạch là quá xa.