Hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19
Giải quyết việc làm cho hơn 78.600 lao động
Mặc dù dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng ngay từ đầu năm 2021, thành phố Hà Nội đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, khoanh vùng nhỏ gọn, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động được Hà Nội quan tâm thực hiện đồng bộ nên thị trường lao động trên địa bàn đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 5 tháng đầu năm năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 78.600 lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính 5 tháng đầu năm năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho hơn 78.600 lao động |
Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội đã tổ chức thành công 20 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 558 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia và hơn 4,4 nghìn lượt lao động được phỏng vấn. Kết quả có hơn 1,5 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch.
Với nhóm lao động không may bị mất việc làm, các cơ quan chức năng đã ra quyết định trợ cấp thất nghiệp cho gần 22.000 người, hỗ trợ học nghề cho gần 1.000 người, giúp người lao động từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
Kết quả này có được là nhờ các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động. Cụ thể, từ nguồn vốn ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, các đơn vị, địa phương đã giúp hơn 26.000 lao động có việc làm.
Thông qua các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên, các cơ quan chức năng đã mang đến cơ hội việc làm cho hàng nghìn lượt người, trong đó có hơn 1.500 người ứng tuyển thành công.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các doanh nghiệp vẫn thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động cho hơn 3.000 vị trí việc làm mới thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các doanh nghiệp vẫn thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động |
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cho vị trí công việc bán hàng, nhân viên vận chuyển, giao nhận; cần tuyển dụng lao động chất lượng cao cho vị trí, như kỹ sư vận hành, kỹ sư kiểm soát, giám đốc điều hành... Mức lương nhà tuyển dụng đưa ra từ 5 đến 25 triệu đồng/người/tháng, tùy từng vị trí công việc và chuyên môn, tay nghề của người lao động...
Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động trong bối cảnh có dịch Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội bố trí riêng khu vực phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến, trung bình mỗi ngày thu hút hơn 100 lượt người đến ứng tuyển; Đồng thời, phối hợp với một số tỉnh, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Tăng cường kết nối, tuyển dụng trực tuyến
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trung tâm dịch vụ việc làm ở nhiều địa phương đã nỗ lực giải quyết bài toán việc làm cho người lao động trong mùa dịch. Trong đó, giải pháp tuyển dụng trực tuyến đã phát huy hiệu quả, phần nào giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động.
Hiện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có 15 sàn giao dịch vệ tinh đặt tại các quận huyện trên địa bàn thành phố. Các sàn vệ tinh này đã hoạt động liên tục suốt thời gian qua. Dù số lượng tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian qua có giảm do dịch Covid-19 nhưng trung bình mỗi ngày các sàn cũng kết nối được cho hơn 100 người lao động với hơn 20 đơn vị tuyển dụng và vẫn đảm bảo giãn cách trong lúc dịch bệnh phức tạp.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đơn vị tuyển dụng lao động đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch |
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trước dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 như nhóm ngành thương mại, dịch vụ và du lịch. Thời điểm đó, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này khoảng 35- 40%, đến thời điểm này, vẫn có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành sản suất lại tăng lên.
Do đó, ông Thành cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp nhóm ngành sản xuất để bù lại sự sụt giảm của các nhóm ngành dịch vụ. “Các doanh nghiệp không có điều kiện tham gia phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến được, chúng tôi có thể lập danh sách người lao động trên cơ sở dữ liệu chúng tôi thu thập được, sau đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía người lao động cũng vậy.
Theo khảo sát nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất như: dệt may, da giày, linh kiện điện tử, cơ khí đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phỏng vấn trực tuyến ở nhóm ngành sản xuất trực tiếp để giúp người lao động sớm tìm được việc làm”, ông Thành cho biết.
Dù là phương án tuyển dụng tối ưu trong bối cảnh hiện nay nhưng ông Thành cũng cho hay, việc kết nối cung cầu qua hình thức online chưa đạt được hiệu quả cao như việc kết nối trực tiếp. Tuy vậy, số lượng lao động tìm được việc làm qua hình thức này cũng đang có những dấu hiệu tích cực hơn.
Để hình thức tuyển dụng trực tuyến này đạt hiệu quả cao hơn, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu và sàng lọc kỹ các hồ sơ ứng tuyển được gửi đến, sắp xếp thời gian phỏng vấn phù hợp và linh động hơn trong yêu cầu tuyển dụng. Về phía người lao động cần trang bị thêm những kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và hồ sơ online đầy đủ, cụ thể…đ