Học online ngày cận Tết: Đánh vật với con chữ
Sau 1 tuần học tập trung, sinh viên trường báo lại học online |
Trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch bệnh bùng phát và có diễn biến phức tạp, việc học online cũng khiến không ít phụ huynh “khóc dở, mếu dở”.
Ảnh minh họa |
Dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp đúng thời điểm cận Tết khiến mọi sinh hoạt trong gia đình chị bỗng nhiên đảo lộn. Điều này khiến chị P.T.T.L (phụ huynh có con năm nay học lớp 1 ở quận Hà Đông, Hà Nội) luôn trong tâm trạng bức bối.
Người giúp việc lo sợ Hà Nội bùng dịch, cách ly xã hội nên vội vã xin nghỉ việc về quê. Nhà chị lao đao khi 2 vợ chồng không được nghỉ làm mà các con nghỉ học. Chia lịch trông con với chồng, chị L lại càng thêm ức chế hơn khi các con chuyển sang chế độ học online.
“Vừa trông đứa bé, vừa dạy đứa lớn học, ngồi sát sạt kèm bên cạnh để vào mạng trong khi nhà cửa bộn bề dịp cận Tết khiến tôi cảm thấy stress nặng. Trong khi đó, con cũng có tâm lý mong ngóng nghỉ Tết, háo hức nên việc học không được tập trung, mạng thì phập phù, kết nối gián đoạn liên tục”, chị L kể.
Đó cũng là tâm trạng của chị Hương Thu có con đang học trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội). Chị Thu chia sẻ: “Còn một tuần nữa là Tết trong khi dịch bệnh phức tạp, đến người lớn cũng khó có thể tập trung được nói gì đến trẻ con phải ngồi một chỗ học online. Tôi phải bỏ cả công cả việc ngồi nhà học với con trong khi công việc ngày cuối năm thì bộn bề. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi”.
Từ ngày 1/2, trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội bắt đầu cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Để đảm bảo khung chương trình năm học, nhiều trường đã nhanh chóng chuyển sang dạy học online.
Vẫn hiểu được ý nghĩa, mục đích của kế hoạch này là tốt nhưng anh Nguyễn Minh Trí (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, nó chưa thật sự hợp lý đối với nhiều gia đình.
“Học sinh các lớp lớn thì có thể chủ động được việc học, kết nối internet nhưng với học sinh tiểu học, bố mẹ phải bỏ công bỏ việc ở nhà học cùng con thì rất bất hợp lý. Theo tôi, tại sao các nhà trường không chuyển hình thức giao phiếu bài tập cho học sinh? Như vậy các cô đỡ vất vả, phụ huynh cũng không bị động?”, anh Trí bày tỏ ý kiến.
Còn với chị Minh Thư (ở quận Hà Đông, Hà Nội) lại có thêm nỗi lo lắng khác khi để con ở nhà cả ngày với mạng internet. “Con trai tôi đang học lớp 8. Đây là lứa tuổi rất nhạy cảm khi bắt đầu dậy thì, tò mò về mạng internet. Bình thường, tôi đã phải kiểm soát con rất gắt gao. Vì thế, tôi không thể yên tâm khi phó mặc chiếc máy tính cho con học online ở nhà”, chị Thư bày tỏ.
Để giải quyết lo lắng của mình, chị đành gấp rút gọi thợ về lắp camera giám sát để vừa làm việc ở cơ quan, vừa theo dõi con từ xa xem chúng học hành ra làm sao.
Chị Thư chia sẻ: “Dịch bệnh đúng lúc cuối năm Tết nhất cận kề, có mọc ra 5 chân 10 tay cũng thấy thiếu thốn. Hàng xóm quanh nhà tôi nháo nhác hết lên. Nhà có con bé thì lo chỗ gửi, nhà con lớn thì đau đầu đánh vật với con chữ. Bố mẹ thì hớt hải chạy xuôi ngược mong nhanh được nghỉ. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để cuộc sống được trở lại bình thường”.